Cũng trong phiên điều trần, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử dẫn trường hợp dân tộc Ơ Đu, sống ở Tương Dương, Nghệ An chỉ có 371 người.
Mấy năm vừa rồi, chỉ thêm được 2 người. Nếu không có chính sách hợp lý, dân tộc này sẽ bị tuyệt chủng, sẽ không còn tên trên bản đồ”. 16 dân tộc rất ít người hiện chỉ có 13.410 hộ, hơn 62.000 nhân khẩu. Và những ngôn từ trong cả báo cáo của Chính phủ cũng như thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, nói về tình trạng của họ, đều là những lời lẽ “báo động đỏ”. Đó là tình trạng thiếu đói, thiếu đất, thiếu trường, thiếu trạm y tế. Đó là việc tiếng nói gần như bị mất. Dân trí thấp. Giá trị văn hóa mai một. Cơ sở hạ tầng yếu kém. Trình độ sản xuất lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo cao vọt...
Nhưng vì sao bao nhiêu tiền của đã được Nhà nước đầu tư, từ nhiều chục năm nay, vẫn phải nói câu chuyện “báo động đỏ”, thậm chí “nguy cơ tuyệt chủng”? Mà đó là những câu chuyện sờ sờ trước mắt khi có những dân tộc, như người Ngái, khi trong 10 năm qua, số dân đã giảm từ hơn 4.000 người (năm 1999) xuống chỉ còn hơn 1.000 người.
Vấn đề ở đây là những đồng tiền đó, giống với “xâu cá”, hơn là chiếc cần câu. Vẫn phổ biến tình trạng đồng bào Rục đem đổi ngay con bò nhà nước vừa cấp cho lấy rượu thịt, hay đồng bào La Hủ nhận 1 bao gạo cứu đói và ăn hết rồi vác dao vào rừng. Vậy đâu mới là cái cần câu? Đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh sau cuộc khảo sát ở Lai Châu đã chỉ ra tình trạng 4 dân tộc Si La, La Hủ, Cống, Mảng đang sống ở 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ, nghèo khó nhất tỉnh, ở một tỉnh nghèo nhất của cả nước. Nhưng cái nghèo nhất của các dân tộc rất ít người, là cái sự nghèo con chữ, cái nghèo khiến cho họ không biết là mình nghèo.
Cả 4 dân tộc Si La, La Hủ, Cống, Mảng, chỉ có 3 sinh viên đại học và 13 cao đẳng. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, năm 2011, chỉ có 16 em được cử tuyển. Thậm chí, 2 dân tộc Rơ Măm và Brâu chưa từng có học sinh cử tuyển. Trình độ cán bộ địa phương cũng “thảm họa” không kém. 100% cán bộ xã người Mảng chỉ có trình độ tiểu học. Và tỷ lệ này là 95- 96% ở người Cống, người La Hủ. Trình độ như thế, họ lấy đâu ra kiến thức để chỉ đạo bà con? “Trình độ như thế thấy được ngay vấn đề dân trí, đời sống. Dân trí kéo theo mọi vấn đề khác”- ông Chu Lê Chinh nói. Cái cần câu, trước hết phải là “cần câu con chữ”, là cái “cần câu văn hóa”, “cần câu dân trí”.
Nhưng thật khó có thể nói đến cái “cần câu con chữ” với tình trạng mà một vị đại biểu Quốc hội đã nói tới hôm qua: Cô giáo người Tày dạy tiếng Việt cho trẻ em Cờ Lao bằng tiếng Mông.
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.