Theo báo cáo tại hội thảo, đã có 215 trường hợp mắc bệnh “lạ”, số tử vong là 23... Các đại biểu dễ dàng thống nhất về tên gọi của bệnh “lạ” đang diễn ra ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian qua là Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Bệnh do nhiễm độc gan mãn tính nhưng chưa xác định được chất độc cụ thể và nguyên nhân gây ra.
TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho rằng, nguyên nhân có thể là do dư lượng thuốc diệt cỏ của vùng Ba Tơ quá lớn. Đặc biệt có thể là do chất độc da cam/dioxin còn lại sau chiến tranh dẫn đến nhiễm độc. Nhưng để có thể xác định có phải do chất độc da cam thì trong nước không có trung tâm nào đủ năng lực để xét nghiệm. Trong tình trạng nóng bỏng này thì nên chấp nhận tốn kém, gửi các mẫu bệnh phẩm cần thiết ra nước ngoài xét nghiệm.
Có đại biểu cho rằng, nhiễm độc chưa chắc do hóa chất vì bệnh bùng phát theo từng đợt. Tuy nhiên, TS Vũ Trường Khánh - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: Tổn thương gan nhiễm độc dẫn tới suy gan, từ đó các hệ thống bài tiết trong cơ thể hoạt động yếu. Các triệu chứng bệnh sẽ không liên tục xuất hiện mà cứ hư hỏng bộ phận này rồi tới bộ phận khác.
Từ đó có thể khẳng định gan tổn thương là không phải do một loại virus nào mà do bị nhiễm độc hóa chất qua 3 con đường: Hít, uống và tiếp xúc vào da. Nhiều đại biểu cho rằng phải tìm cho ra nguyên nhân gây bệnh.
PGS - TS Trần Hậu Khang - Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư băn khoăn là rằng những bệnh nhân bệnh “lạ” sau khi khỏi bệnh xuất viện về nhà thì một thời gian bệnh lại tái phát. Vì vậy, ông nghi vấn nguyên nhân gây bệnh có thể từ môi trường sống mà ngành y tế vẫn chưa tìm ra.
Thông tin từ hội thảo, mới đây anh Hà Huy H (27 tuổi, quê huyện Ba Tơ trú ở Hà Nội), đã nhập Viện Da liễu T.Ư trong tình trạng bệnh giống như các trường hợp mắc bệnh “lạ” ở Ba Tơ. Anh H cũng thường xuyên về quê. Các chuyên gia cho rằng, bước đầu có thể khẳng định ở Ba Tơ có dư lượng hóa chất nào đó gây nên bệnh “lạ”.
Đình Thiên - Kim Oanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.