Xã hội hóa bảo vệ rừng
Là người trực tiếp gắn bó với người trồng rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La, ông Lương Thái Hùng - Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Sơn La hiểu rất rõ đời sống người trồng rừng và tầm quan trọng của rừng Sơn La đối với hệ thống thuỷ điện lưu vực sông Đà.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2011/images/2011-04-15/1436314710-90_8_phongsu_nong-dan-lam-nghe-phu-vi-khong-co-dat-canh-tac.jpg) |
Thiếu đất sản xuất, người đàn ông Sinh Mun ở bản Pá Nó, xã Phiêng Pằn, Mai Sơn, Sơn La chấp nhận làm thêm nghề phụ chứ không phá rừng làm nương. |
Theo ông Hùng, đời sống người trồng rừng Sơn La rất nghèo nhưng các dự án đầu tư cho nghề rừng lại vô cùng hạn chế. Đối với Sơn La, các nguồn đầu tư chỉ đạt khoảng 25% thu nhập cho người dân, phần còn lại do người dân tự cân đối để đảm bảo cuộc sống. Tất nhiên, ngân sách Nhà nước không đáp ứng được nên việc đầu tư cho bảo vệ rừng rất cần được xã hội hoá.
Quyết định 380 của Thủ tướng Chính phủ ra đời dựa trên mục tiêu xã hội hoá nghề rừng và được những người làm nghề rừng đón đợi với hy vọng sẽ giúp họ cải thiện phần nào cuộc sống lam lũ hàng ngày. Theo quyết định, người sử dụng điện trên toàn quốc sẽ có trách nhiệm trả 20 đồng/kWh điện thương phẩm cho những người bảo vệ môi trường rừng (MTR) và đây là một chính sách rất tốt và rất cụ thể cho việc động viên toàn dân tham gia bảo vệ rừng.
Theo cách tính trên, giả sử trung bình một hộ gia đình khu vực nông thôn sử dụng 50kWh điện/tháng sẽ đóng góp 1.000 đồng vào Quỹ MRT được xác định trong giá điện. Tương tự, một hộ gia đình khu vực thành thị sử dụng trung bình 300 kWh điện/tháng sẽ đóng góp 6.000 đồng.
Như vậy nếu chia nhỏ cho từng hộ gia đình trong toàn xã hội thì số tiền không lớn và tất cả các cá nhân, tập thể khi sử dụng điện đều có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ MTR để phục vụ công tác bảo vệ rừng. Với cách làm trên, Nhà nước sẽ giảm bớt kinh phí đầu tư cho bảo vệ rừng và người bảo vệ rừng sẽ trực tiếp được nhận hỗ trợ từ nguồn thu của chính sách trên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Quyết định 380 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ MTR là một chủ trương đúng đắn, được người dân phấn khởi đón nhận. Quyết định 380/TTg là một trong các chính sách quan trọng trong công tác xã hội hoá nghề rừng, giúp rừng có chủ thực sự và người dân nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc ở gần rừng giảm bớt khó khăn, tạo được niềm tin vào các chính sách quản lý bảo vệ rừng của Nhà nước.
Cần biện pháp mạnh
Tới thời điểm hiện nay, các địa phương và đơn vị áp dụng trong Quyết định 380 đã thực hiện rất tốt như Nhà máy điện Đại Ninh (Bình Thuận), Nhà máy điện Đa Nhim (Ninh Thuận), một số đơn vị du lịch sinh thái và Công ty nước sạch trong lưu vực sông Đồng Nai. Riêng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình và Nhà máy Thuỷ điện Suối Sập (Sơn La) không chấp hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện đầy đủ việc chi trả dịch vụ MTR.
Quyết định 380/TTg là một trong các chính sách quan trọng trong công tác xã hội hoá nghề rừng, giúp rừng có chủ thực sự và người dân nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc ở gần rừng giảm bớt khó khăn, tạo được niềm tin vào các chính sách quản lý bảo vệ rừng của Nhà nước.
Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ NNPTNT đã nhiều lần có văn bản đề nghị nhưng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình không hồi âm. Tính đến 31.12.2010, Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình còn nợ người trồng rừng các địa phương lưu vực sông Đà là 218,191 tỷ đồng và Nhà máy Thuỷ điện Suối Sập còn nợ là 2,4 tỷ đồng. Đây thực tế là món nợ đối với những con người nghèo khó, hàng ngày lặng thầm giữ rừng tạo nguồn nước cho các Nhà máy Thuỷ điện.
Để chủ trương xã hội hoá nghề rừng của Chính phủ đạt được hiệu quả cao, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình và Nhà máy Thuỷ điện Suối Sập, tỉnh Sơn La, nhằm tạo động lực để khuyến khích, động viên người dân nghèo tham gia công tác bảo vệ phát triển rừng một cách bền vững đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân với các chủ trương chính sách lớn của Nhà nước.
Tài Dũng - Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.