Là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013", bà Lâm Phương Thanh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định: Chương trình sẽ góp phần tạo ra động lực quan trọng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) và Nghị quyết Đại hội Nông dân toàn quốc lần thứ VI.
Bà Lâm Phương Thanh (thứ hai bên trái) và Hội đồng bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" tại cuộc họp ngày 30.9, bình chọn 62 nông dân xuất sắc năm 2013.
Bà Lâm Phương Thanh cho biết: Việt Nam là nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông nghiệp và nông thôn, chiếm hơn 50% lực lượng lao động xã hội trực tiếp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề. Chính vì vậy, Chương trình bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013 là một sự kiện rất có ý nghĩa, góp phần phát hiện và tôn vinh những nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong lao động sản xuất và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực nông nghiệp; giúp cho nông dân trong cả nước có cơ hội được giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm, mô hình tốt.
Chương trình hướng tới nhiều ngành nghề khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp, được tổ chức bình chọn từ cơ sở, tiêu chí bình chọn khá toàn diện, không chỉ coi trọng hiệu quả kinh tế mà chú trọng cả tiêu chí về năng lực sáng tạo, tinh thần bảo vệ Tổ quốc, sự đóng góp cho cộng đồng. Tôi cho rằng chương trình sẽ góp phần tạo ra động lực quan trọng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết Đại hội Nông dân toàn quốc lần thứ VI.
Bà đánh giá thế nào về vai trò, vị thế của người nông dân trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng ta đã khởi xướng?- Nông dân Việt Nam vốn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, cần cù, sáng tạo, đoàn kết, đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, người nông dân cũng đang chịu những tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế, liên quan trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ đó tác động đến đời sống của mỗi người, mỗi gia đình. Những hạn chế về kiến thức, trình độ, cơ hội tiếp cận thông tin và nguồn lực là rào cản lớn đối với người nông dân. Thực tế cho thấy, mặc dù có những khó khăn và hạn chế nhưng người nông dân Việt Nam có đủ quyết tâm, bản lĩnh, tiềm năng và sức sáng tạo để vươn lên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nước ta xuất hiện ngày càng nhiều những người nông dân với những sáng chế, phát minh có tính ứng dụng và đạt hiệu quả cao trong thực tiễn sản xuất, rất đáng khâm phục. Hơn bao giờ hết, những quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nông dân, nông nghiệp, nông thôn cần được cụ thể hóa một cách kịp thời, đúng mức, vừa giúp tháo gỡ khó khăn ở khu vực này, đồng thời cũng tạo cơ sở vững chắc để nông nghiệp thực sự là khâu đột phá chiến lược của sự phát triển kinh tế - xã hội, để người nông dân đủ sức và thực sự làm chủ trên các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển đất nước.
"Có mô hình, điển hình đã khó nhưng nuôi dưỡng, phát triển và nhân rộng được còn khó hơn rất nhiều. Việc này hiện ta làm chưa tốt nên đã và đang làm hạn chế hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước". Bà Lâm Phương Thanh
|
Tiêu chí của chương trình là phát hiện và tôn vinh gương nông dân điển hình tiên tiến, sau đó nhân rộng phong trào. Việc phát hiện và tôn vinh các gương điển hình là công việc vẫn được thực hiện khá thường xuyên, tuy nhiên việc quan trọng hơn là nhân rộng các gương điển hình đó thì dường như chúng ta vẫn làm chưa tốt. Dưới góc nhìn của một người làm tuyên giáo, theo bà, cần phải thúc đẩy yếu tố nào để việc nhân rộng gương điển hình đạt hiệu quả cao hơn?
- Việc phát hiện đúng người, đúng việc, xứng đáng để tuyên dương, khen thưởng là quan trọng và cần thiết. Nhưng làm thế nào để người đó, việc đó được nhiều người biết, học tập, làm theo, để cái hay cái tốt được nhân lên ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực mới chính là mục tiêu chúng ta hướng tới. Trước hết, công tác thi đua - khen thưởng phải chính xác, khách quan, kịp thời. Công tác tuyên truyền, giới thiệu điển hình cần trung thực, sinh động, hấp dẫn; chú trọng tính bền vững của mô hình, uy tín của danh hiệu thi đua. Có mô hình, điển hình đã khó nhưng nuôi dưỡng, phát triển và nhân rộng được mô hình, điển hình còn khó hơn rất nhiều. Việc nghiên cứu để nhân rộng mô hình đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực của các địa phương, cơ quan chức năng có liên quan đối với mô hình, điển hình đó. Việc này hiện nay ta làm chưa tốt, nên có rất nhiều mô hình, điển hình tốt chưa được nghiên cứu nhân rộng, đã và đang làm hạn chế hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước.
Theo bà, chương trình bình chọn và trao danh hiệu này cần phải cải tiến hoặc bổ sung thêm những nội dung gì, tiêu chí gì trong những năm tới để nó thực sự trở thành một sân chơi bổ ích cho nông dân Việt Nam?- Theo tôi, ngoài danh hiệu được tôn vinh, nên có những cơ chế, hình thức khác nhằm động viên, khuyến khích người nông dân đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ví dụ, nếu họ được ưu tiên vay vốn mở rộng sản xuất, được hỗ trợ đào tạo, tham quan (kể cả tham quan trong nước và nước ngoài) thì sẽ là nguồn động viên cổ vũ rất lớn, đồng thời cũng tăng sức hấp dẫn cho việc nhân rộng điển hình. Như vậy, càng cần có sự phối hợp của các địa phương và các cơ quan chức năng. Nếu xây dựng được cơ chế này thì chương trình và danh hiệu này sẽ càng có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Hải Phong (thực hiện) (Hải Phong (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.