Nông sản dư thừa vì dự báo thị trường yếu
Cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt, ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, việc ban hành luật sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, tạo lợi thế cạnh tranh, quan trọng nhất là sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ nhằm quản lý, kiểm soát tốt hơn toàn bộ quá trình sản xuất theo chuỗi, từ khâu giống cho đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ…
Sau Tết Nguyên đán 2018, người dân thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội) đã phải nhổ củ cải vứt đi vì giá quá rẻ. Ảnh; Gia Chính
Tuy nhiên dự án luật không phải là “chìa khóa vạn năng” tháo gỡ toàn diện các vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, do đó đề nghị luật khi ban hành phải tạo chuyển biến căn bản, giúp nông dân có nhiều thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Ở một góc nhìn khác, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng, tình trạng giá nhiều loại sản phẩm nông sản bấp bênh, xảy ra dư thừa là do nông dân quen sản xuất theo phong trào, không nắm được nhu cầu thị trường…, dẫn tới bị mất cân đối cung - cầu. “Trách nhiệm quản lý nhà nước như thế nào trong việc định hướng sản xuất, thông tin thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hướng dẫn ứng phó biến đổi khí hậu… chưa được quy định trong luật. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung này” – ĐB Cảnh đề nghị.
Quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ NNPTNT
Góp ý cụ thể hơn cho dự án Luật Trồng trọt, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng, việc lập và thực hiện quy hoạch trồng trọt còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả dẫn đến chưa cân đối được cung - cầu; cơ giới hóa nông nghiệp còn chậm, dẫn đến giá thành cao, sức cạnh tranh thấp... Đáng chú ý là trong Điều 6 của dự luật chưa thấy có một câu từ nào quy định về chính sách để cân đối được cung - cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp nhằm khắc phục 2 tồn tại lớn đã chỉ ra. “Điều chưa được đưa vào dự thảo luật lại gắn liền với mồ hôi nước mắt, cơm áo gạo tiền của người nông dân”- ĐB Mai Sỹ Diến nói.
Trên cơ sở đó, ĐB Diến kiến nghị dự thảo Luật Trồng trọt phải bổ sung kỹ hơn vào Điều 6 về chính sách phát triển thị trường và thiết kế một điều trong chương VI, quy định trách nhiệm của Bộ NNPTNT, UBND cấp tỉnh trong việc dự báo, thông tin về thị trường; đảm bảo không để phát triển tự phát và sản phẩm trồng trọt phải được cung ứng đúng giá trị, có phần tích lũy cho nông dân.
Tương tự, ĐB Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cũng đề nghị cần luật hóa trách nhiệm thông tin thị trường, dự báo thị trường, khuyến cáo người nông dân sản xuất để ngăn tình trạng “khủng hoảng thừa” nông sản.
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Qua góp ý thấy các ĐB đều thống nhất cao với tên gọi là Luật Trồng trọt. Về bố cục của dự thảo luật với 7 chương 82 điều, nghiên cứu góp ý của các ĐB và đọc lại thấy mất cân đối trong thiết kế. Một số vấn đề mới và then chốt như bảo vệ thực vật, phân bón nông nghiệp hữu cơ, luật phải nói rõ hơn. Những vấn đề then chốt vừa là yết hầu cần tháo gỡ được để thúc đẩy nông nghiệp phát triển".
Cả nước đang tồn tại gần 20.000 loại phân bón, hơn 700 cơ sở sản xuất, công suất 29,5 triệu tấn/năm, dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu. Do đó, chương II cần chỉnh lý theo hướng quản lý phân bón phải dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.