Cần quan tâm nhiều hơn tới nông dân

Thứ sáu, ngày 06/09/2013 09:31 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên NTNN về thực trạng nông dân bỏ ruộng, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, toàn xã hội cần quan tâm nhiều hơn cho nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận 0
Nói về nguyên nhân khiến nông dân phải bỏ ruộng, TS Đặng Kim Sơn cho rằng: Có 2 nguyên nhân. Trước hết là do, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp do quy mô sản xuất quá hẹp nên dù có lời chút đỉnh cũng chẳng đáng là bao so với tổng thu nhập của hộ gia đình. Một vấn đề nữa là, thu nhập của đa số nông dân Việt Nam chủ yếu chỉ đủ cho tái sản xuất giản đơn, chứ không có tích lũy. Ở đây, rõ ràng là “cánh kéo giá” đã diễn ra rất là dài trong thời gian vừa qua, không chỉ có giá vật tư đầu vào tăng nhanh hơn giá nông sản đầu ra, mà giá của các dịch vụ và chi phí sinh hoạt của nông dân tăng rất nhiều. Vì thế, ngoài nguồn thu từ nông nghiệp ra, các nguồn thu khác của nông dân cũng suy giảm, nên sức ép của cuộc sống buộc người dân phải rời bỏ khỏi nông thôn, chứ không riêng đồng ruộng để đi kiếm ăn.

Chúng ta cần phải biến nông nghiệp thành nghề có lãi, thậm chí biến cuộc sống ở nông thôn thành lối sống hiện đại, văn minh, hấp dẫn, thì mới kéo được thanh niên, trí thức về”.
Chúng ta cần phải biến nông nghiệp thành nghề có lãi, thậm chí biến cuộc sống ở nông thôn thành lối sống hiện đại, văn minh, hấp dẫn, thì mới kéo được thanh niên, trí thức về”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc người nông dân bỏ ruộng là cơ hội để tích tụ ruộng đất sản xuất lớn. Song trên thực tế, chúng ta lại chưa xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho tích tụ đất đai, ngay cả trong Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chưa đề cập đến?

- Ở đây có 2 vấn đề: Thứ nhất, thị trường đất đai (tức thị trường quyền sử dụng đất) chưa hình thành rõ ràng, bởi vì vấn đề quyết định của thị trường đất đai là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được giao cho tất cả các chủ đất, người dân phải có quyền làm chủ đất đai của họ. Về mặt luật pháp, hiện người dân mới chỉ có quyền sử dụng đất. Hơn nữa, hiện rất nhiều người dân chưa có sổ đỏ, nên họ không thể thế chấp vay ngân hàng hay chuyển nhượng, nói tóm lại là không làm gì được.

Còn về mặt pháp lý, do mảnh đất là của Nhà nước, nên người dân muốn mua- bán, thì phải có bên thứ 3 là người đại diện của Nhà nước tham gia. Điều này làm cho chi phí giao dịch rất cao, vì muốn mua- bán lại cần bên thứ 3 định giá, đo đạc, từ đó tạo điều kiện cho tham nhũng… Một thị trường mà 2 bên giao dịch, mà phải có một bên thứ 3 thì là một thị trường rất không bình thường.

Một số quan điểm cũng cho rằng, muốn thu hút lao động trẻ hay trí thức về làm nông nghiệp, thì chúng ta phải cấp học bổng cho học nghề nông. Theo ông, điều này có khả thi?

- Điều này chúng ta cần đặt ra câu hỏi là, có phải học bổng là cách để định hướng ngành nghề cho người ta hay không? Tôi nghĩ không phải vậy, đã có những lúc chúng ta cấp học bổng cho ngành nọ, ngành kia, nhưng chúng ta chỉ tạo ra được động lực một lần. Đối với nghề nông, tương lai như thế, làm không đủ sống, nên có cấp học bổng đi chăng nữa, thì cũng không bao giờ họ học. Hiện ở một số nước, như Ấn Độ đang có xu hướng trí thức quay trở về nông thôn, họ phát triển 2 thứ, một là nông nghiệp hiện đại và làm dịch vụ như du lịch nông thôn, chế biến nông sản. Chính phủ hỗ trợ rất nhiều. Chúng ta cần phải biến nông nghiệp thành nghề có lãi, thậm chí biến cuộc sống ở nông thôn thành lối sống hiện đại, văn minh, hấp dẫn, thì mới lôi kéo được thanh niên, trí thức về.

"Bây giờ, nông nghiệp vẫn là nơi phải xóa đói, giảm nghèo; vẫn chứa đựng tất cả những người không có nghề hoặc không tìm được việc làm, thì lấy đâu ra lao động chất lượng cao”.
TS Đặng Kim Sơn


Một vấn đề mà dư luận thời gian qua nêu lên là, để chuyển đổi bớt diện tích đất lúa có tổ chức, trật tự thì phải có bàn tay của Nhà nước. Vậy vai trò của Nhà nước ở đây là gì, thưa ông?

- Vai trò của Nhà nước là phải chỉ ra những địa bàn có lợi thế đối với từng cây trồng để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo nên các vùng chuyên canh để cho nông dân và doanh nghiệp làm. Đặc biệt, Nhà nước cần phải đưa ra được cân đối chính. Chẳng hạn như năm nay, sản xuất lúa gạo đã đến ngưỡng như thế này rồi, giá cũng chỉ có thế để cho nông dân biết và lựa chọn, còn nếu họ cứ làm thì tùy. Theo tôi, đó là điều mà Nhà nước nên làm. Ngay cả việc cân đối cung- cầu, Nhà nước cũng nên chia bớt cho hiệp hội ngành hàng họ làm, chẳng hạn như hiện nay về lúa gạo, chúng ta không thể có một hiệp hội như hiện nay là chỉ kinh doanh buôn bán, mà phải có cả người sản xuất, nông dân, có người buôn bán nhỏ, buôn bán lớn, tất cả ngồi chung vào đó và đưa ra quyết định quota năm nay làm đến đâu, tức đó là hiệp hội thật theo chuỗi giá trị và quyết định cả quy mô sản xuất, cũng như xuất khẩu.

Về lâu dài, để nông dân làm ruộng có lãi, phải có một sự hy sinh lớn. Hy sinh ở đây là, Nhà nước phải chia sẻ bớt quyền lực để giao quyền lại cho các hội ngành, rồi đến nông dân, cũng phải là nông dân giỏi, có nghề. Còn những người không làm được, thì phải rời khỏi nông thôn, rồi đến doanh nhân cũng phải quay về nông nghiệp, ngân hàng cũng phải cho nông dân vay nhiều hơn hay VFA cũng phải phối hợp, chỉ đạo với nông dân. Tóm lại, toàn bộ xã hội chúng ta phải thay đổi, chứ không phải chỉ có nông dân thay đổi. Nếu chúng ta quyết tâm tái cơ cấu lại, cần phải có sự quyết tâm của toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Lê Hân (thực hiện) (Lê Hân (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem