“Càn quét” tôm hùm nhí: Ra biển nhặt “vàng”?

Chủ nhật, ngày 03/04/2011 09:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 100% hộ ngư dân trong Thôn Đông tranh nhau từng mét mặt nước để đặt bẫy bắt tôm. Hộ ít tiền thì chỉ cần mua ít cái neo, vài chục cái bẫy gỗ hoặc ít lưới chà làm bẫy là có thể thu tiền triệu mỗi ngày.
Bình luận 0

Giữa mùa biển động, trong khi ngư dân các làng chài khác phải “đắp chiếu” tàu bè, mặt mũi ỉu xìu... thì ngư dân làng chài Thôn Đông (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) vẫn tươi cười vì có thu nhập khá từ nghề nhử bắt tôm hùm con gần bờ.

Ra biển nhặt “vàng”

img

Những con tôm hùm bé tí và trong suốt này có giá từ 120.000 – 140.000 đồng/con.

Những ngày qua, ở làng chài Thôn Đông luôn sôi động việc bán mua tôm hùm nhí. Thảnh thơi ngồi hút thuốc trên bãi cát trước nhà, ngư dân Phan Văn Thuận phấn khởi: “Mới sáng ra nhấc chà đã bắt được 4 chú tôm que (tôm hùm siêu nhỏ - PV), vậy là ngày hôm nay tui có gần 500.000 đồng, sống khỏe rồi!”

Tôm hùm con đang về nhiều, 100% hộ ngư dân trong Thôn Đông tranh nhau từng mét mặt nước để đặt bẫy bắt tôm. Hộ ít tiền thì chỉ cần đầu tư chừng 10 triệu đồng mua ít cái neo, vài chục cái bẫy gỗ hoặc ít lưới chà làm bẫy là có thể thu tiền triệu mỗi ngày.

Hộ mạnh vốn còn đầu tư mua máy phát điện để chong thêm đèn trên dàn chà, hoặc dong thuyền ra đảo “quét” tôm. Theo kinh nghiệm, lưới làm chà phải là lưới trũ cũ, có mùi rêu biển tôm con mới chịu bám vào. Trước đây lưới trũ cũ là đồ bỏ đi, nhưng nay loại lưới này trở nên khan hiếm, phải lùng mua với giá 28.000 đồng/kg.

Chị Võ Thị Thanh Hiền - chủ vựa thu mua tôm hùm giống ở khóm 1, cho biết, chưa bao giờ vùng biển này lại trúng tôm hùm giống đến vậy. Trong làng có tới 3 vựa chuyên thu mua tôm hùm giống, riêng vựa của chị mỗi ngày đang thu mua trên 1.000 con. Giá tôm que dao động từ 120.000 – 140.000 đồng/con, tôm đen (lớn hơn) từ 160.000 – 180.000 đồng/con. Với giá này, có ngày có chủ chà thu về đến cả chục triệu đồng.

Lãng phí nguồn tôm giống

Hiện mỗi năm cả nước khai thác khoảng 3 triệu con tôm hùm giống, nhưng tỷ lệ chết rất cao, ước tính lên đến cả triệu con.

Vấn đề đáng lo ngại, theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 3 (Viện 3), có đến 40% tôm hùm giống bị đánh bắt không đạt kích cỡ thương phẩm.

Tại vùng biển Cát Lợi, Đại Lãnh (Khánh Hoà), loại tôm siêu nhỏ 0,3 – 1gram/con (tôm que) bị “càn quét” bằng bẫy, bằng lưới từ 1.000 – 3.000 con/ngày. Loại tôm giống siêu nhỏ này được chủ vựa thu gom rồi nuôi ương thành tôm giống thương phẩm - đây chính là giai đoạn tôm giống chết nhiều nhất, từ 50 – 60%.

TS Nguyễn Thị Bích Thuý (Viện 3), cho biết, tôm hùm trong giai đoạn nuôi ương chết nhiều chủ yếu do sốc ôxy. Ở nhiều nơi, sau khi bẫy được tôm giống, ngư dân nhốt hàng chục con vào chai nhựa nhỏ rồi xách đi bán. Ngay lúc đó, tôm trông vẫn rất khoẻ nhưng chỉ vài ngày sau chúng sẽ chết hàng loạt vì sốc.

Bà Thúy cho biết, hiện cả nước khai thác khoảng 3 triệu con tôm hùm giống mỗi năm nhưng tỷ lệ chết rất cao, ước tính lên đến cả triệu con. Biển Việt Nam sở hữu một nguồn giống tôm hùm quý giá, nhưng bị khai thác bừa bãi và mang tính tận diệt trong khi chưa thể sinh sản nhân tạo để chủ động nguồn giống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem