Cần sớm ban hành Luật Trưng cầu dân ý

Thứ tư, ngày 06/10/2010 11:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua 5-10, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng khoá XI. Các nhân sĩ, trí thức đã thẳng thắn nêu nhiều ý kiến tâm huyết.
Bình luận 0

Là nơi tập hợp tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, các đại biểu của T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến dân chủ. Đây là vấn đề không mới nhưng được nhiều tầng lớp đặc biệt quan tâm.

img
Ông Tô Huy Rứa (phải)- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư trao đổi với các đại biểu.

Giáo sư Luật học Lưu Văn Đạt cho rằng, dân chủ là một vấn đề hệ trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện tốt mô hình dân chủ ở cơ sở. Trong thời gian tới, cần mở rộng hơn nữa dân chủ ở cấp cao hơn.

Ông cũng đồng tình với nhiều ý kiến khác cho rằng, cần phải tạo ra cơ chế, hành lang cho việc thực thi dân chủ bằng cách sớm ban hành Luật Trưng cầu dân ý để dân có tiếng nói quyết định trong các vấn đề hệ trọng của đất nước. Nhiều đại biểu cho rằng cần có các luật khác như Luật Quyền được thông tin, Luật Giám sát của nhân dân, Luật Phản biện xã hội, Luật Hội họp, Luật Biểu tình và đình công… nhằm tạo hành lang pháp lý thực thi dân chủ.

Vấn đề cán bộ, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, trong việc lựa chọn cán bộ phải dũng cảm chọn người tài, kể cả việc lựa chọn cán bộ ngoài Đảng. Ở nước ta hiện nay, muốn làm lãnh đạo thì vào Đảng gần như là một yêu cầu bắt buộc. Trong khi đó, nhiều người giỏi, có năng lực nhưng không phải là đảng viên lại chưa được sử dụng.

GS Dũng dẫn ra thí dụ về việc hiện Trung Quốc có hai bộ trưởng không phải là đảng viên. Để sử dụng tốt cán bộ, chúng ta cần thay đổi cách bầu cử hay đề bạt cán bộ như hiện nay. Những cán bộ cấp cao, khi được bầu cử, bổ nhiệm phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để đóng góp cho xã hội, vùng miền. Nếu làm được thì biểu dương, nếu không làm được phải cách chức, cho thôi việc.

Vấn đề chống tham nhũng, lãng phí được GS.TS Hoàng Xuân Sính - Hiệu trưởng Trường Đại học Thăng Long đề cập: "Khi đang tại chức phải tiếp xúc với tệ tham lam, nhũng nhiễu đã đành, khi về hưu, ra làm giấy tờ ở UBND phường cũng không thoát được vòng vây của nhũng nhiễu".

Không chỉ tham nhũng, theo bà Sính, lãng phí cũng đang trở thành một vấn đề nan giải cần có cách tháo gỡ. Để giảm được tham nhũng, lãng phí là một hành trình gian khổ, phải nâng cao cả "dân trí", lẫn "quan trí", có khi mất đến 20 - 50 năm nhưng đó là việc cần kíp phải làm. Vì thế, chống tham nhũng, lãng phí phải được đề cập trong văn kiện của Đảng, trong Chiến lược Kinh tế xã hội là một trong những công tác cần có đột phá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem