Chợ phiên đồ cổ, mỗi năm chỉ họp một lần
Ai cũng biết chợ phiên là đặc trưng của miền Bắc. Nhưng ở tỉnh Vĩnh Long cũng có một phiên chợ độc đáo chuyên bán đồ cổ mà đặc biệt mỗi năm chợ chỉ họp vào dịp gần tết trên tuyến đường Hưng Đạo Vương, phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Qua ba ngày tết thì chợ đồ cổ cũng tự giải tán.
Một góc chợ đồ cổ. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Một người bán đồ cổ cho biết: “Đã thành thông lệ, khi thấy trên các tuyến đường hoa kiểng bắt đầu trưng bày, cũng là lúc tôi và một số người nữa không hẹn mà gặp nhau, mang đủ loại đồ cổ đến bày biện. Lúc đầu vắng khách, nhưng sau đó một đồn mười, mười đồn trăm, khách hàng nườm nượp tìm đến phiên chợ đồ cổ để cùng ngắm nghía, trao đổi, mua bán những món đồ cũ, đồ cổ mà chúng tôi đã dày công sưu tầm”
Chúng tôi tìm đến anh Nam (chủ tiệm cà phê ở phường 1), để hỏi về nguồn gốc của chợ, anh cười tươi, nói: “Tôi cũng không rõ chợ đồ cổ này hình thành từ năm nào nhưng với xuất hiện của nó vào dịp gần tết, không chỉ đáp ứng được nhu cầu sưu tầm những món đồ cổ về chưng tết của những người đam mê, yêu thích đồ cổ mà còn tạo điểm tham quan, ngắm nghía, thậm chí có thể sờ tận tay những món đồ của ngày xưa cũ mà không hề bắt gặp ánh mắt phiền hà từ người bán”.
Một gian hàng đồ cổ. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Thời điểm tôi tìm đến là khoảng 11 giờ trưa, chợ đồ cổ chỉ còn khoảng 4 hay 5 “gian hàng”, gọi cho sang chứ người bán trải tấm bạt rồi bày hàng ngay dưới vỉa hè. Tuy vậy, việc mua bán vẫn diễn ra đều đều, người bán phải mua cơm hộp về tranh thủ ăn lót dạ để bán đến chiều tối. Tôi để ý có vài du khách nước ngoài cũng dừng lại ngắm nghía, rồi giơ máy lên chụp đôi ba tấm ảnh về làm kỉ niệm. Có lẽ họ cũng ngạc nhiên, bất ngờ vì phiên chợ đồ cổ độc đáo xen lẫn giữa rừng hoa kiểng có một không hai này.
Đa dạng, phong phú các loại đồ cổ, đồ cũ
Tôi thật sự ấn tượng với những món đồ được bày bán khi dạo một vòng quanh chợ đồ cổ. Người bán bày biện đầy ắp các món đồ không theo một chủ đề nhất định, ai sưu tầm được gì thì bán đồ đó, người mua cũng tỉ mẩn tìm kiếm, ngắm nghía từng món hàng.
Tranh thủ ăn cơm khi vắng khách. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Theo quan sát của tôi, người mua có thể tìm thấy vô khối thứ từ đồ cổ đến đồ cũ, từ những món đồ từng xuất xứ ở những thời điểm lịch sử khác nhau, từ những món được giới thiệu có thời gian trên trăm năm như những bức tượng đồng đủ hình dáng, đồng hồ quả lắc, đỉnh xông trầm, điện thoại cổ, những cái đài cát-xét cổ… đến những đồ dùng còn sót lại từ thế kỉ trước như cái bình bi-đông, đĩa nhạc xưa, bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, điện thoại để bàn, bàn ủi con gà, những cái mâm đồng, kính mắt, tiền đồng hay các loại tiền giấy mệnh giá cũ của Việt Nam và các nước…
Tôi nhận thấy, khách đến tham quan trẻ, già đều có, đủ mọi ngành nghề. Người trung niên thì bồi hồi tìm mua những món đồ mà tuổi thơ từng gắn bó, lớp thanh niên lại tò mò đến để xem những thứ mà cha ông họ đã từng sử dụng trong quá khứ. Và đặc biệt, người bán, người mua đa phần là đàn ông. Có lẽ bởi niềm yêu thích săn lùng, sưu tầm đồ cổ, đồ cũ trước nay luôn được mặc định là dành cho đấng mày râu.
Anh Kim (44 tuổi, ở Vĩnh Long) cầm cái bàn ủi con gà, trầm ngâm nói với tôi: “Năm xưa, gia đình tôi cũng có một cái àn ủi con gà thế này, nó chứa đựng rất nhiều kỉ niệm với gia đình tôi nhưng không may lúc dọn nhà đã lạc mất. Bữa nay, tôi chủ ý đến đây để tìm và mua một cái về cất giữ, cho con cái xem. Thật may mắn là đã mua được”.
Tôi đặc biệt ấn tượng với một gian hàng với phần nhiều là những bức tượng bằng đồng nhiều hình thù khác nhau, có cả đồng hồ, mắt kính, đèn dầu ngày xưa của ông Năm. Ông Năm cho biết: “Chúng tôi từ xa tụ họp về đây, mang theo những món đồ mà trong đó số nhiều là chúng tôi sưu tầm được, có khi chúng tôi không bán được cái nào cho khách nhưng những người bán lại trao đổi với nhau những món mình có mà người kia không có. Chúng tôi xem đồ cổ như một thú vui tao nhã, mang hàng đến bán chủ yếu gặp gỡ người cùng sở thích”.
Lựa chọn mua đồ cổ. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Đã khá trưa, thấy khách nườm nượp ra vào, xem xét, tò mò hỏi giá tần món đồ, rồi suy tư ngắm nghía, trả giá nhưng đều diễn ra hết sức nhẹ nhàng, tế nhị. Người bán hàng luôn trả lời tận tình, giới thiệu xuất xứ, thời gian, chất lượng từng thứ một, người mua hỏi giá rồi lại đi nhưng dường như người bán cũng không hề phật lòng.
Rời chợ đồ cổ, chúng tôi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của người bán lẫn người mua khi tìm được những món đồ vừa ý, hợp gu về nhà chưng trong ba ngày Tết. Những lời cảm ơn, những cái bắt tay, vỗ về hỏi thăm nhau như bạn tri âm lâu ngày gặp lại giữa những người không quen biết làm cho khí trời se lạnh ở Vĩnh Long mùa này như ấm áp hơn, để đón cái Tết Giáp Mùi với đầy ắp tình người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.