Du hành chợ nón làng Chuông

Thứ tư, ngày 17/12/2014 17:05 PM (GMT+7)
Mặc cho những chuyển động của thời cuộc, vẫn có những góc nhỏ của cuộc sống nơi làng quê còn giữ nguyên được những nét yên bình và đẹp lạ lùng. Chợ nón lá làng Chuông là một góc nhỏ như thế.
Bình luận 0
img

Đến làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đúng vào ngày phiên chợ nón diễn ra, chúng tôi không khỏi tò mò và hào hứng nhập chợ.

img Phiên chợ nón Chuông nằm bên triền đê sông Ðáy, mỗi tháng vào các các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 lại tấp nập kẻ mua người bán từ những nguyên vật liệu làm nón, như lá cọ, vành nón, chỉ khâu,... đến những chồng nón trắng nõn nà.
img 
img Nơi bán các vòng nón.
img Chỉ và quai nón với đủ sắc màu.

img Và những chiếc nón thành phẩm.

Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng đến làng Chuông vẫn dễ dàng nhận thấy dáng dấp của một một ngôi làng với nghề truyền thống. Dọc hai bên đường, cũng bắt gặp những chiếc nón trắng phơi mình dưới ánh nắng sớm làm không khí thật xôn xao.

img 

img Chợ nằm giữa không gian cổ kính của ngôi làng hàng trăm năm tuổi.

Là quê hương của nghề làm nón lá truyền thống, người làng Chuông từ trẻ nhỏ tới các cụ già đều luôn tự hào về nghề truyền thống của quê hương mình, tự hào là nơi làm ra loại nón bền đẹp vào loại nhất nhì ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

img

Làm ra một chiếc nón là cả một quá trình hết sức công phu từ khâu chuẩn bị nguyên, vật liệu. Người làm nón phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu. Lá được lấy từ Quảng Bình, Phú Thọ... về vò trong cát rồi phơi nắng đến khi mầu xanh của lá chuyển sang mầu trắng bạc, mỏng tang, nhưng phải bền, dai, phẳng mà không giòn, không rách.

img Mo làm lớp lót nón.

Trước khi đưa lá vào khuôn nón phải được là phẳng bằng cách miết trên chiếc lưỡi cày được hơ nóng. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, căn sao cho nhiệt độ vừa phải để lá không bị cháy, hoặc bị sống vì không đủ độ nóng. Vòng nón làm bằng tre vót nhỏ, đều, tuyệt đối không được cong vênh.

img Chọn vòng nón.

Tiếp đó đến công đoạn quay nón và khâu nón. Khâu nón là công đoạn khó nhất của nghề nón, thể hiện sự tài tình khéo léo của người thợ. Người khâu nón cũng được ví như người thợ thêu. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt mềm mại từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài, khi sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã hình thành.

img 

Chiếc nón hoàn tất khi kết thúc công đoạn làm nôi, tức phần buộc quai nón, tùy nón mà nôi pha màu, phối màu. Để tránh thấm nước, người thợ sẽ phết phía ngoài lớp quang dầu thông mỏng.

img Cẩn thận hơn, người ta có thể quang dầu bên ngoài nón để làm cho nón bóng, đẹp và bền lâu.

Điểm khác biệt của nón làng Chuông với các loại nón ở các vùng miền khác đó là nón có 16 lớp vòng, vừa giúp nón có độ bền chắc mà vẫn mềm mại, thanh thoát. Người làng Chuông rất cẩn thận, tỉ mỉ khi xếp từng lớp lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi mới khâu. Chiếc nón dưới bàn khéo léo của người thợ đã thành hình với một niềm yêu quý, trân trọng đặc biệt.

img Trước nhịp hối hả của đời sống và sự phát triển của xã hội, tưởng rằng sẽ không có chỗ đứng cho một sản phẩm như chiếc nón tồn tại, nhưng không hề. Chiếc nón lá vẫn còn nguyên nét hấp dẫn và giá trị của nó.
img Chiếc nón vẫn vẹn nguyên giá trị trong cuộc sống thường nhật.

img Mỗi ngày từ nơi đây vẫn có hàng nghìn chiếc nón được làm ra và những chiếc nón theo bước chân du khách, theo những chuyến xe chở nón đi khắp nơi.

Ngắm thêm các góc chợ:

img 
img 
img 
img Nụ cười luôn nở trên môi những người dân làng nón.
(Theo TTVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem