Cẩn thận biến chứng bệnh tay chân miệng

Thứ sáu, ngày 09/05/2014 06:54 AM (GMT+7)
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 62 địa phương (có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều nguy hiểm là bệnh TCM dễ lây, dễ có biến chứng nếu không biết chăm sóc đúng cách.
Bình luận 0
Nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo nhận định của Bộ Y tế, năm 2014, tuy số ca mắc giảm tới 20%, số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 nhưng lại tập trung cao ở khu vực miền Nam với hơn 85% số ca. Các tỉnh như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đăk Lăk và Kon Tum đều có số ca mắc cao hơn từ 15-69% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Hướng dẫn trẻ rửa tay phòng chống bệnh tay chân miệng.
Hướng dẫn trẻ rửa tay phòng chống bệnh tay chân miệng.

TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại, theo chu kỳ 2-3 năm/lần, năm 2014 có thể lại là năm dịch TCM bùng phát, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 -12. “TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn nếu không có các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu” – TS Phu cho biết.

Theo ông Phu, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

PGS-TS Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) cho biết, thời gian gần đây, khoa đã tiếp nhận nhiều trẻ bị TCM. Tuy nhiên, các ca bệnh đều nhẹ nên các bác sĩ kê đơn, hướng dẫn cách chăm sóc rồi cho điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có các hiện tượng sốt cao li bì, da nhăn nheo hoặc đi tiểu ít (do mất nước), vết phỏng chảy nước, sưng, có hiện tượng nhiễm trùng, mệt mỏi, co giật chân tay… thì cần phải đưa đi viện để được điều trị.

Tránh bội nhiễm cho trẻ

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo, khi thấy trẻ xuất hiện các nốt phỏng trong miệng, khiến trẻ không ăn uống được thì các bà mẹ cũng không nên vội vã tìm cách làm xẹp vết phồng, gây đau đớn, bội nhiễm cho trẻ.

Thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống bệnh TCM và sốt xuất huyết, ngày 7.5, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các sở y tế, các bệnh viện trực thuộc bộ, các viện vệ sinh dịch tễ, Paster triển khai tốt công tác phòng chống dịch. Các sở y tế tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong, hạn chế quá tải bệnh viện để tránh nhiễm chéo bệnh, huy động các cấp phòng chống dịch…

Các bác sĩ khám đã ghi nhận nhiều trẻ bị viêm nha chu, lợi đỏ rực, chảy máu do cha mẹ chăm sóc không đúng cách. Trẻ phải uống thêm kháng sinh, tình trạng đau đớn kéo dài hơn.

TS Dũng cho biết, khi trẻ bị TCM, sốt trên 38,5 độ C thì có thể cho trẻ hạ sốt theo đúng hướng dẫn. Các bà mẹ nên yêu cầu các bác sĩ kê đơn thuốc gây tê bề mặt, dùng để sát khuẩn miệng trước bữa ăn chừng 15 phút để giúp trẻ giảm đau, ăn uống tốt hơn.

Không dùng băng gạc, nước muối để rửa miệng cho trẻ mà chỉ khuyến khích trẻ súc miệng nước muối loãng hoặc uống nhiều nước là miệng có thể tự sạch. Nên cho trẻ ăn thực phẩm nguội, nấu loãng như cháo, súp, sữa, đút cho trẻ từng chút một. Nếu trẻ không ăn được nhiều thì cũng không nên ép trẻ. Sau 3-4 ngày, bệnh đỡ, trẻ sẽ lại ăn uống bình thường.

Theo TS Huy, do không có vaccine phòng bệnh nên trong mùa dịch, cha mẹ nên phòng bệnh cho con bằng cách ăn uống sạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, rửa sạch đồ chơi, vật dụng mà trẻ hay động đến, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%.

Tuấn Kiệt (Tuấn Kiệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem