Gia đình bà Huỳnh Kim Hương ở khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) có kinh nghiệm trồng hoa hơn 30 năm nhưng năm nay vừa trồng được mấy ngày hoa đã chết hàng loạt. Ngay từ đầu vụ, bà Hương đã đăng ký qua câu lạc bộ trồng hoa kiểng để mua 1.600 cây cúc Đài Loan và cúc Tiger ở trạm khuyến nông quận Bình Thủy.
Theo đó, người trồng hoa được hỗ trợ 40% nên mua với giá chỉ còn 400 đồng/cây. Thế nhưng, giờ chỉ còn 160 cây cúc đang héo rũ chờ chết. Theo bà Hương, trước đây trồng cúc trong bầu mua từ Sa Đéc (Đồng Tháp) tỷ lệ sống từ 95% trở lên nhưng năm nay trồng giống cấy mô do Trạm khuyến nông hỗ trợ thì trồng 10 chết 9. Còn gia đình ông Huỳnh Thanh Cần ở kế bên cũng trồng 1.200 cây cúc cũng chết hàng loạt.
Theo thống kê, câu lạc bộ trồng hoa Phú Thọ - Bà Bộ (phường Long Tuyền) mua 34.000 cây cúc Đài Loan và 8.500 cây cúc Tiger và bị thiệt hại. Ông Nguyễn Ngọc Ri – Chủ nhiệm câu lạc bộ này cho biết: “Hầu hết giống cấy mô hỗ trợ đều bị thiệt hại từ 40 đến 50%. Trong đó, một số hộ trồng cúc Tiger thiệt hại trên 70%. Số lượng còn lại thì cũng chết dần, chết mòn nên tới tết không biết còn chậu hoa nào để bán”.
Theo ông Ri, ngay sau khi hoa cúc xuất hiện bệnh, chết hàng loạt các cơ quan chức năng có đến hướng dẫn nông dân điều trị nhưng hầu như không hiệu quả, cây tiếp tục chết. Ngoài ra, hàng trăm hộ trồng hoa ở huyện Phong Điền nhận giống hỗ trợ mới trồng đã chết hàng loạt.
Bà Ngọc Yến – Trưởng trạm khuyến nông quận Bình Thủy cho rằng: “Tất cả các mô giống này đều lấy từ Viện Cây ăn quả miền Nam sau đó đem ra trại giống ở Tiền Giang ươm giống để cung ứng cho bà con. Khi trồng gặp thời tiết bất lợi nên cây bị úng, bệnh chết. Sau khi cây chết, ngành nông nghiệp đã lấy mẫu đem đến trường đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam kiểm tra thì phát hiện cây bị nhiễm vi khuẩn nên chết hàng loạt”.
Theo bà Yến, khi cây xuất hiện bệnh trạm khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn nông dân điều trị và cắt hợp đồng với nhà cung cấp.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.