Căng thẳng về tình hình Ukraine: Châu Âu sôi sục

Thứ bảy, ngày 22/03/2014 06:56 AM (GMT+7)
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Martin Schulz đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh ở châu Âu liên quan đến những căng thẳng gần đây giữa Nga và phương Tây về tình hình Ukraine.
Bình luận 0
Phương Tây tăng cường trừng phạt

Theo AFP, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 21.3, ông Schulz nói: "Tất cả những ai nghĩ rằng chiến tranh hay nguy cơ chiến tranh không còn là vấn đề thì hãy tỉnh ngộ. Với những gì đang diễn ra, chúng tôi nói về nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang".

Nhà chính trị của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) này tỏ ra lo ngại việc Mátxcơva tiếp nhận bán đảo Crimea vào LB Nga còn có thể dẫn tới một cuộc đối đầu kinh tế lớn giữa Nga với phương Tây.

Binh lính quân đội Nga kiểm soát  quân sự tại Crimea.
Binh lính quân đội Nga kiểm soát quân sự tại Crimea.

Trong khi đó, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Ngày 20.3, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy cho biết EU đã quyết định áp đặt thêm lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 12 người Nga và Ukraine sau khi Mátxcơva sáp nhập Crimea, nâng tổng số đối tượng bị EU trừng phạt lên thành 33.

Ngoài ra, EU cũng hủy Hội nghị thượng đỉnh EU-Nga dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Ông H.V.Rompuy chưa công bố danh tính 12 người trong danh sách trừng phạt bổ sung này, song tiết lộ đó là những quan chức cao cấp của chính quyền Nga.

Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng công bố danh sách trừng phạt bổ sung đối với 20 cá nhân và tổ chức của Nga liên quan tới việc Nga tiếp nhận Crimea và Sevastopol thành hai chủ thể liên bang mới.

Trong số các cá nhân, đáng chú ý có Chánh văn phòng Tổng thống Nga, ông Sergei Ivanov. Ngân hàng bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt là ngân hàng tư nhân Aktsionerny, hay còn gọi là Ngân hàng Nga của doanh nhân Yuri Kovalchuk, một nhân vật tin cậy của Tổng thống Nga V.Putin.

Ông Obama cũng tuyên bố đã ký một sắc lệnh cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngành kinh tế chủ chốt của Nga như dịch vụ tài chính, năng lượng, luyện kim, công nghiệp khai khoáng và chế tạo máy.

Trước đó, hôm 17.3, Mỹ cũng đã công bố danh sách trừng phạt phong tỏa tài khoản và cấm nhập cảnh đối với 11 quan chức Nga và Ukriane, trong đó có Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozine...

Nga trả đũa

Ngay lập tức, Nga cũng thông báo danh sách trừng phạt đáp trả đối với các quan chức và nghị sĩ Mỹ. Trong danh sách này có 9 cá nhân gồm: Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez và một số thượng nghị sĩ. Ngoài ra, các cá nhân của Mỹ bị Nga trừng phạt còn có 3 cố vấn và phó cố vấn của Tổng thống Obama.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mátxcơva áp đặt trừng phạt các quan chức và nghị sĩ Mỹ với số lượng tương đương nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức và nghị sĩ Nga được công bố hôm 17.3.

Thứ trưởng Tài chính Nga Alexei Moiseev ngày 21.3 dự đoán, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào lĩnh vực tài chính của Nga sẽ không gây ra những ảnh hưởng lớn trực tiếp đối với nước này. Phát biểu với báo giới bên lề một hội nghị doanh nghiệp, ông Moiseev nói: "Tới nay, tôi chưa nhận thấy những hậu quả nghiêm trọng đối với lĩnh vực tài chính".

Trong khi đó, Hội đồng Châu Âu đã yêu cầu Ủy ban Châu Âu (EC) từ nay tới tháng 6 nghiên cứu và soạn thảo kế hoạch hành động toàn diện nhằm giảm sự phụ thuộc của khối này vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Đây là một phần nội dung trong tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh 28 quốc gia thành viên EU ở Brussels (Bỉ), công bố ngày 21.3.
Gia Khánh (Gia Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem