Phát hiện đáng báo động này được đăng trên Tạp chí báo cáo khoa học của Tập đoàn xuất bản khoa học
tự nhiên ngày 22.7.
Lâu nay, lượng thạch tín tự nhiên có trong nước uống vẫn được xem là mối hiểm họa cho sức khỏe con
người, đặc biệt là ở Bangladesh, nơi hàng triệu người uống nước giếng khoan từ những năm 70 của thế
kỷ trước.
Những loại gạo có hàm lượng thạch tín cao được phát hiện ở Trung Quốc, Bangladesh, Nhật Bản, Pakistan. (Nguồn: thenews.com.pk)
Thạch tín là một chất gây ung thư và gạo được cho là có chứa thạch tín ở mức độ cao hơn so với hầu
hết các loại thực phẩm khác vì cây lúa được trồng trên đất có nước vốn là điều kiện tốt cho các
chất gây ô nhiễm hấp thụ vào gạo.
Các nhà khoa học nhiều năm qua đã lo ngại về những loại gạo được trồng tại những vùng có nguồn nước
ngầm bị nhiễm độc, song đây là lần đầu tiên họ tìm ra bằng chứng về mức độ nguy hiểm này.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Manchester ở Anh và Viện Sinh Hóa Ấn Độ ở Kolkata đã tiến hành một
cuộc điều tra với sự giúp đỡ của hơn 400 dân làng ở vùng Tây Bengal của Ấn Độ.
Những người tình nguyện được yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về lối sống, cũng như lượng gạo mà
họ ăn hàng ngày.
Ngoài ra, những người này cung cấp mẫu gạo và mẫu nước tiểu của họ cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Những người tình nguyện này đến từ 3 khu vực khác nhau nhưng có cùng một chế độ ăn và địa vị kinh
tế-xã hội như nhau.
Sau quá trình xét nghiệm mẫu nước tiểu và tìm kiếm các micronuclei (nhân nhỏ làm nhiệm vụ tạo ra
hợp tử trong quá trình sinh sản tiếp hợp), các nhà khoa học nhận thấy sự gia tăng micronuclei diễn
ra cùng với sự gia tăng lượng thạch tín có trong gạo ăn hàng ngày.
Trung bình những người tình nguyện tiêu thụ khoảng 0,5kg gạo mỗi ngày và sự gia tăng micronuclei
xuất hiện thường xuyên ở những người tiêu thụ hơn 1kg gạo mỗi ngày (đặc biệt đối với mẫu gạo có hàm
lượng 200 micrôgram thạch tín).
Điều đáng lo ngại là những loại gạo có hàm lượng thạch tín hơn 200 micrôgam/1 kg được phát hiện với
tỷ lệ khá cao ở Trung Quốc, Bangladesh, Nhật Bản, Pakistan, thậm chí cả ở châu Âu và Mỹ.
Phát hiện này được coi là lời cảnh báo đối với những người hàng ngày sử dụng lúa gạo trồng trong
khu vực nguồn nước nhiễm nhiều thạch tín. Trên toàn thế giới, có thể có tới hàng trăm triệu người
đang trong hoàn cảnh này.
TTXVN (Theo TTXVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.