Cánh đồng của người vợ ba Nguyễn Nhạc

Thứ năm, ngày 26/01/2012 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ thị trấn Ka Nát của huyện KBang (Gia Lai) tới được cánh đồng này phải qua một ngọn núi cao.
Bình luận 0

Con đường lợp cợp đá trơ khấc dưới nắng hè gay gắt, thế nhưng giữa chót vót này lại là một thung lũng rộng rãi màu mỡ, nước tuôn ra từ các mạch ngầm quanh năm không bao giờ cạn…Người tìm ra vùng đất lý tưởng này cho nghĩa quân Tây Sơn là Yă Đố, vợ ba của Nguyễn Nhạc – tục gọi là cô Hầu, vì thế cánh đồng được đặt tên là “Đồng cô Hầu”.

Theo truyền thuyết, Yă Đố quê ở Plei Đê Hmâu, xã Đông, huyện KBang, là con gái của một vị tù trưởng nổi tiếng ở vùng này. Trước lúc khởi nghiệp, Nguyễn Nhạc từng đi buôn trầu nguồn (trầu rừng) và kết giao với nhiều tù trưởng trong vùng.

Vị tù trưởng này vì quý mến Nguyễn Nhạc đã gả Yă Đố cho ông làm vợ ba (có giai thoại nói rằng vì Nguyễn Nhạc giết trăn cứu Yă Đố nên vị tù trưởng đã gả bà cho ông để đền ơn ).

Về với Tây Sơn, Yă Đố đã có những cống hiến quan trọng: Bà đã dẫn nghĩa quân vào nơi này khai phá một vùng đất rộng lớn để sản xuất, tích luỹ lương thảo. Rồi chính bà đã xuống Bình Định đưa các giống cây ăn quả về cho đồng bào dân tộc trong vùng. Cũng chính bà đã cho trồng một vườn mít bên cạnh cánh đồng để làm nguồn lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân.

Không rõ số lương thực sản xuất từ cánh đồng này được bao nhiêu nhưng chắc chắn đây là một căn cứ binh lương quan trọng. Hiện vẫn còn dấu vết bờ ruộng, nền trại quân lương… Đặc biệt là những cây mít. Chưa phải là cây lớn nhất thì cũng phải hai người ôm mới giáp; ngọn chấm trời, thân nổi u sù sì bởi sức nặng thời gian. Phòng VHTTDL huyện KBang cho biết, hiện nay chỉ còn chừng 30 cây mít nằm rải rác giữa rừng.

Trung tâm của vườn xưa rộng tới 20ha với mật độ cây khá dày. Trước đây, dân làng Quao đã phá một phần để lấy đất làm rẫy. Sau khi được công nhận di tích, do công tác bảo vệ kém, họ đã ngấm ngầm phá nốt những cây còn lại. Bây giờ chỉ còn rải rác giữa rừng.

Yă Đố không có con nên sau khi Nguyễn Nhạc mất, bà lại trở về quê. Các già làng kể rằng khi Yă Đố mất, dân làng đã chôn bà trên một đỉnh núi cao. Trong các lễ cúng Yang, tên bà được khấn sau tên Yang Kông – Yang Đak (thần Núi – thần Nước) là hai vị Yang cao nhất của người Bah Nar…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem