Cạnh một khu rừng nổi tiếng, chợ làng sát biển ở một xã của Nam Định la liệt tôm tươi, cá ngon
Nằm ngay một khu rừng nổi tiếng, chợ ngay sát biển ở một xã của Nam Định la liệt tôm tươi, cá ngon
Chủ nhật, ngày 21/04/2024 15:32 PM (GMT+7)
Trừ những ngày biển động, chợ làn-chợ cá Giao Hải (xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đều đặn họp 2 phiên/ngày. Ở chợ Giao Hải, mặt hàng luôn đa dạng các loại: Bề bề, ghẹ, tôm, cá… Mỗi loại còn được chia làm loại 1, loại 2, loại 3 phù thuộc chủ yếu vào kích thước từ lớn đến nhỏ.
Buổi sáng, chợ làng-chợ cá Giao Hải (xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) họp từ khoảng 5 - 7 giờ, buổi chiều từ 13h30 đến 15h30 theo giờ những con thuyền đánh bắt hải sản trở về.
Nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Hải (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi.
Khai thác hải sản là nghề truyền thống thế mạnh xã Giao Hải và các địa phương lân cận như Giao Long, Giao Nhân…
Những con tàu của các ngư dân mảnh đất này sẽ đi biển khoảng 12 tiếng, trừ 2 tiếng đi - về, còn 10 tiếng khai thác hải sản chi phí hết khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/chuyến.
Tuy đánh bắt gần bờ, thời gian ngắn nhưng lượng hải sản khai thác được trong mỗi chuyến có thể lên đến gần chục triệu đồng.
Ước tính, bến cá Giao Hải có khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt hải sản các loại. Do trang thiết bị ngày một hiện đại lượng hải sản khai thác mỗi ngày cũng tăng lên với đa dạng chủng loại và nhu cầu của thị trường.
Nhiều thương lái đã ra tận mép nước thu mua ngay khi thuyền vừa về bến cá xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Ở chợ hải sản Giao Hải, mặt hàng luôn đa dạng các loại: Bề bề, ghẹ, tôm, cá… Mỗi loại còn được chia làm loại 1, loại 2, loại 3 phù thuộc chủ yếu vào kích thước từ lớn đến nhỏ.
Với bề bề, giá loại 1 rơi vào khoảng 120.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 100.000 đồng/kg và loại 3 chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Giữa mặt nước biển, cảnh mua bán diễn ra một cách chóng vánh. Ra khơi từ 12h đêm, anh Lương Văn Thao, ngư dân xã Giao Hải, huyện Giao Thủy (Nam Định) cập bến vào 3h chiều để kịp phiên chợ.
Là một ngư dân có nhiều kinh nghiệm và lâu năm, anh được chủ thuyền là người địa phương thuê với giá 700 ngàn cho mỗi lần ra khơi.
Dù đã gần 70 tuổi, ông Bùi Phương Đông vẫn ngày ngày ra chợ cá để kéo hàng thuê. “Công việc ít phải phụ thuộc, nhưng sợ nhất là những đợt giông bão kéo dài thuyền bè không ra khơi thì sẽ không có việc làm”, ông Đông trải lòng.
Ghé thăm chợ làng-chợ cá Giao Hải, người mua sẽ được hoá thân thành một ngư dân chính hiệu khi được giải thích về cách phân loại chất lượng hải sản.
Chị Hồng Hải một thương lái lâu năm tại chợ giải thích, hải sản như bề bề, cua ghẹ gọi “nước 1” là những con to khỏe, nhiều thịt, có trứng, còn bề bề, cua ghẹ “nước 2” nhỏ hơn không “mẩy” bằng, những con đã chết dù to hay nhỏ “mẩy” hay “óp” quy vào “nước 3”.
Những người đàn ông của vùng biển Giao Hải, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) không chỉ giỏi đi biển mà cũng rất thành thạo trong việc buôn bán.
Không chỉ bán buôn, tại chợ cá Giao Hải các chủ thuyền sẵn sàng bán lẻ từng kg hải sản tươi ngon cho những ai có dịp ghé qua vùng đất này và muốn thưởng thức hương vị của biển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.