Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, năm 22 tuổi một mình Đỗ Văn Điệp vào Đắk Lắk đi làm thuê. Sau 2 năm bươn chải trên đất khách quê người, có chút vốn liếng và vay mượn thêm từ bạn bè anh đã mạnh dạn mua đất, trồng hơn 500 trụ tiêu.
Dự kiến 500 trụ tiêu kinh doanh của anh Đỗ Văn Điệp năm nay sẽ nhiều hơn năm đầu tiên từ 2-3 tạ
Trò chuyện với chúng tôi, anh Điệp chia sẻ: “Hồi mới vào, vùng đất này chỉ là bãi đất toàn đá, sỏi, không một cây gì có thể mọc nổi ngoài cây cỏ. Cũng không biết hồi đó nghĩ sao lại mạo hiểm đến vậy, trồng gần 500 trụ tiêu chứ ít gì. Khi mới đào hố để trồng tiêu còn phải cào, vét đá đổ đi nơi khác để trồng. Hồi đó, bố mẹ mình vào chơi còn trách tại sao lại có thể mua mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" thế này. Không nghĩ rằng giờ tiêu lại tươi tốt đến vậy...”.
Khác với những "nghĩa địa" tiêu ở Gia Lai, toàn bộ 500 trụ tiêu kinh doanh của anh Điệp đều sai trĩu quả
Hơn 1.000 trụ tiêu lớn, nhỏ của chàng trai mang tiếng "liều ăn nhiều" vẫn đứng vững giữa bãi đất sỏi đá, cằn cỗi ngày nào. Dù trồng trên đất cằn, nhưng những trụ tiêu của anh Điệp vẫn luôn xanh tốt, sai trĩu từng chùm quả từ gốc lên đến ngọn. Sau 5 năm kiên trì chăm sóc “làm bạn” với cây hồ tiêu, với 500 trụ tiêu lớn mùa thu chính đầu tiên anh đã thu về 3 tấn, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
“Trồng tiêu quan trọng nhất vẫn là hệ thống thoát nước, nước đọng là nguyên nhân làm cho tiêu chết nhiều nhất. Bởi vậy, 2 vườn tiêu mình đều đào mương lớn thoát nước. Ngoài ra, nếu muốn tiêu đậu quả nhiều, ít rụng phải nắm được thời điểm ra bông. Thường thì tiêu sẽ ra bông vào đầu tháng 5, vì vậy mình nên ép cây tiêu ra đúng thời điểm, thậm chí ra càng muộn càng tốt. Vì nếu ra sớm, thời tiết lúc đó sẽ thất thường, lúc nắng lúc mưa, khi tiêu ra bông sẽ bị thối và rụng...”, anh Đỗ Văn Điệp cho biết.
Hệ thống kênh mương thoát nước giữa vườn tiêu được anh Điệp rất chú trọng.
Khởi nghiệp từ bàn tay trắng, tích lũy chút vốn liếng trong thời gian làm mướn và vay mượn bạn bè chỉ sau 5 năm chàng thanh niên 28 tuổi đã có một cơ ngơi chắc chắn. Khi sở hữu 500 trụ tiêu kinh doanh mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng và 600 trụ tiêu tơ tươi tốt, không một dấu hiệu bệnh tật. Điều đặc biệt, hơn 1.000 trụ tiêu nhưng anh chưa một lần thuê người chăm sóc, tưới nước... mà tất cả đều là tự làm.
Đang giai đoạn thu hoạch vườn tiêu kinh doanh, tuy nhiên anh Điệp vẫn không quên chăm sóc cẩn thận 600 trụ tiêu tơ
Theo anh Điệp, nếu như tự mình chăm sóc các trụ tiêu sẽ phát triển đều hơn, biết được những cây nào cần phân, cần nước. Nếu như nhiều người chăm sóc tiêu sẽ phát triển không đều, rất hay mắc những căn bệnh lạ mà chúng ta không kịp thời phát hiện ra. Để cung cấp đủ nước cho hơn 1000 trụ tiêu, anh Diệp đã chuẩn bị 2 hồ nước lớn để tránh tình trạng tiêu bị thiếu nước, còi cọc và chất lượng nhân không đạt hiệu quả.
Những trụ tiêu của anh Đỗ Văn Điệp được chăm sóc khá cẩn thận nên lượng quả khá đều và chín đồng loạt
Cùng một loại tiêu, một loại đất, tuy nhiên một số vườn tiêu ở Gia Lai cũng như ở Đăk Lăk đã bị chết la liệt, nhiều khu vườn xanh tốt ngày nào giờ chỉ còn là trụ không khiến nhiều người gọi là những "nghĩa địa" tiêu. Thế nhưng, hơn 1.000 trụ tiêu của chàng thanh niên trẻ Đỗ Văn Điệp vẫn phát triển xanh tốt lạ thường. Hiện tại, tiêu đang rớt giá mạnh chỉ còn chưa đến 60.000 đồng/kg và rất nhiều vườn của nhiều hộ dân đã chết trơ trụi. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến cây hồ tiêu anh Điệp vẫn tỏ ra rất mặn mà với loại cây này.
Hiện tại, vườn tiêu tơ của anh Đỗ Văn Điệp cũng đang phát triển tươi tốt nhờ việc xây dựng hệ thống kệnh mương thoát nước.
Chàng trai trẻ Đỗ Văn Điệp tâm sự chắc chắn: “Thật ra mình rất thích cây hồ tiêu, trong thời gian đi làm thuê mình cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm về loại cây này. Hiện tại, thì diện tích tiêu tơ cũng như là tiêu kinh doanh của mình chưa có dấu hiệu bị bệnh, giá cả thì đã giảm mạnh. Tuy nhiên, mình không có ý định sẽ phá bỏ vườn tiêu tìm một loại cây khác. Mình tin rằng, thời gian tới giá tiêu sẽ tăng trở lại và nếu có điều kiện mình vẫn sẽ tiếp tục trồng tiêu...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.