Cảnh sát Indonesia nói gì về luật khám trinh tiết bằng tay gây sốc?

Phương Đăng (theo DLM) Thứ năm, ngày 20/11/2014 19:00 PM (GMT+7)
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia tuyên bố, quy định "khám trinh tiết hai ngón tay" các nữ ứng viên muốn gia nhập lực lượng cảnh sát là nhằm kiểm tra sức khỏe thể chất cũng như đức hạnh của họ. 
Bình luận 0
 

img Ảnh minh họa.

Người đứng đầu bộ phận luật của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Tổng thanh tra Moechgiyarto ngày 19.11 tuyên bố rằng, quy định kiểm tra trinh tiết do các nữ bác sĩ thực hiện là một tiêu chuẩn để gia nhập vào Lực lượng cảnh sát nước này.

 "Quy định này đã được thực hành trong suốt một thời gian dài. Chúng tôi cần phải kiểm tra chất lượng các nữ ứng viên bằng cách kiểm tra trinh tiết của họ", ông Moechgiyarto xác nhận với phóng viên, nhà báo bên lề một cuộc thảo luận ở Kuningan, Nam Jakarta.

Ông này nhấn mạnh rằng, mục đích chính của việc kiểm tra nói trên là để đảm bảo rằng, các nữ ứng viên đều đạt các tiêu chuẩn đạo đức khắt khe.

"Nếu cô ta (một ứng viên cảnh sát) hóa ra lại là một gái điếm, thì làm sao chúng tôi có thể chấp nhận để cô ta gia nhập lực lượng cảnh sát", ông Moechgiyarto nhấn mạnh.
 
Khi được đề nghị phát biểu về cáo buộc của Tổ chức Giám sát Nhân quyền rằng, quy định khám trinh nữ cảnh sát là hành vi làm nhục phụ nữ, vi phạm nhân quyền, ông Moechgiyarto chỉ nhún vai.

Theo vị này, trên thực tế, cơ quan cảnh sát cũng có linh động trong một số trường hợp đặc biệt. Không phải mọi nữ ứng viên không vượt qua vụ kiểm tra trinh tiết đều lập tức bị gạch tên ra khỏi quá trình tuyển dụng.  

"Nếu một nữ ứng viên không còn là trinh nữ, song vẫn đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác, lúc đó chúng tôi có thể tiến hành điều tra lý lịch của cô ta", ông Moechgiyarto khẳng định.
 

Khi được hỏi tại sao không có quy định kiểm tra trinh tiết của các ứng viên nam, ông Moechgiyarto cho biết, đơn giản là vì thiếu thủ tục y tế để có thể xác định một nam ứng viên vẫn còn trinh.

Trong khi đó, Phát ngôn viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Agus Rianto cho hay, màng trinh ảnh hưởng đến điểm số kiểm tra sức khỏe của các nữ ứng viên: "Người có màng trinh nguyên vẹn có thể nhận được 80 điểm. Trong khi đó, người không còn là trinh nữ có thể nhận được 60 điểm".

Ông Agus Rianto cũng khẳng định, trinh tiết không hoàn toàn quyết định kết quả của một nữ ứng viên: "Nhiều cô gái không còn trinh tiết vẫn được tuyển dụng vào lực lượng cảnh sát. Nhưng chúng tôi không thể cung khai danh tính của họ trước công luận".

 Ông này cũng bác bỏ cáo buộc, quy định kiểm tra trinh tiết vi phạm nhân quyền, xúc phạm và phân biệt đối xử với phụ nữ.

img Một nhóm nữ cảnh sát Indonesia.

 

Trước đó, báo chí đồng loạt đưa đưa tin, Tổ chức Giám sát Nhân quyền phát hiện ra quy định kiểm tra "trinh tiết hai ngón tay" đối với các nữ ứng viên cảnh sát Indonesia do chuyên gia y tế thực hiện thủ công bằng cách đưa hai ngón tay vào âm đạo của các cô gái trẻ để xác định xem màng trinh của họ có còn nguyên vẹn hay không. 

 

Theo đó, những nữ ứng viên đã lập gia đình sẽ không đủ điều kiện để dự tuyển.

Bà Nisha Varia, Giám đốc về quyền của phụ nữ tại HRW gay gắt lên án, việc tiến hành kiểm tra trinh tiết các nữ ứng viên của Cảnh sát Indonesia là hành vi phân biệt đối xử và làm nhục phụ nữ: "Cơ quan Cảnh sát ở Jakarta cần xóa bỏ lập tức và dứt khoát quy định này trên phạm vi toàn quốc".

Tổ chức Giám sát Nhân quyền đã phỏng vấn các nữ cảnh sát cũng như những nữ ứng viên từng nộp đơn dự tuyển vào lực lượng cảnh sát Indonesia và phát hiện ra rằng, quy định "ngang trái" trên vẫn đang được duy trì và được áp dụng cho tất cả các cô gái.

Trên các trang web chính thức của các cơ quan tuyển dụng nữ cảnh sát của Indonesia, quy định này thậm chí được liệt kê như là một yêu cầu bắt buộc đối với các ứng viên nữ.

Trên thực tế, việc kiểm tra trinh tiết đối với các nữ ứng viên cảnh sát đã gây ra nhiều bức xúc và bị dư luận phản đối gay gắt.

"Nhóm của tôi có khoảng 20 cô gái được yêu cầu vào một hội trường và bị bắt cởi bỏ toàn bộ quần áo, kể cả đồ lót. Điều đó thật đáng xấu hổ. Chỉ có những cô nào bị kinh nguyệt mới được đặc cách mặc nguyên quần lót. Một nữ bác sĩ dùng 2 ngón tay  để kiểm tra trinh tiết của chúng tôi", một nữ ứng viên cảnh sát 19 tuổi chia sẻ.

Cô gái trẻ cũng cho biết, màn kiểm tra này đã trở thành nỗi ám ảnh không thể nào quên đối  với cô: "Tôi không muốn nhớ lại chuyện kinh khủng đó. Thật đáng xấu hổ. Tại sao chúng tôi bị buộc phải cởi bỏ quần áo trước mặt những người lạ. Đây là hành động phân biệt đối xử. Việc này hoàn toàn không cần thiết. Nó phải bị ngừng lại".

Trong khi đó, một cô gái  24 tuổi lại chia sẻ nỗi lo sợ chính màn kiểm tra "hai ngón tay" kia có thể khiến cô mất trinh: "Tôi sợ sau khi họ thực hiện màn kiểm tra đó, tôi sẽ không còn là trinh nữ nữa. Họ dùng hai ngón tay để kiểm tra. Thực sự rất đau. Bạn tôi thậm chí ngất đi vì đau..."

Ủy ban Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (Komnas Perempuan), ông Yuniyanti Chuzaifah cho biết, ủy ban đã yêu cầu họp với Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Tướng Sutarman để thảo luận về vấn đề này.

"Thật sai lầm khi đánh giá phụ nữ dựa trên màng trinh của cô ấy. Quy định kiểm tra trinh tiết vi phạm quyền của phụ nữ  mà trong trường hợp này là quyền để trở thành một sĩ quan cảnh sát. Hơn nữa, nam ứng viên lại không phải kiểm tra tương tự. Việc kiểm tra trinh tiết là phân biệt đối xử với phụ nữ ", bà Yuniyanti Chuzaifah tuyên bố,

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem