Nguyên nhân làm cho chất lượng gạo nói chung ngay tại vựa lúa lớn nhất nước - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không cao là do kỹ thuật canh tác, giống lúa, cơ cấu giống lúa chưa được quan tâm và ND sản xuất chưa theo quy trình kỹ thuật chung, hệ thống tồn trữ, bảo quản chưa tốt. Điều này khiến việc xây dựng thương hiệu lúa gạo gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để gia tăng tính cạnh tranh cho lúa gạo của ĐBSCL, trước hết phải tổ chức lại sản xuất lúa, định hướng sản xuất theo quy trình mang tính an toàn cao, truy nguyên được nguồn gốc tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
Để đạt được những yêu cầu trên, sản xuất lúa ở ĐBSCL cần từng bước thực hiện theo các tiêu chí thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Theo đó, sản phẩm lúa gạo phải không còn dư lượng hóa chất và vi sinh vật gây hại, đồng thời đảm bảo an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ. Mặt khác, khi tiến hành GAP thì vẫn đảm bảo được năng suất và sản lượng lúa ổn định, giữ được sự bền vững về môi trường canh tác trong điều kiện thâm canh cao, tăng vụ tại ĐBSCL.
Tuy nhiên, để thực hiện các vấn đề nêu trên trong tình hình sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay, vẫn còn gặp nhiều vấn đề về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn nước và tập quán canh tác, kỹ thuật canh tác của ND. Hiện nay, một vài nơi ở ĐBSCL (Tiền Giang, Sóc Trăng) đã thực hiện thành công việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Sản phẩm gạo canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP được bao tiêu với giá cả tăng 20%, so với sản xuất theo bình thường. Điều này cho thấy nhu cầu gạo chất lượng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nói chung là thị trường tiềm năng. Do vậy, canh tác theo GAP sẽ là một trong những định hướng có nhiều triển vọng trong tương lai cho lúa gạo ĐBSCL.
Nhưng hiện nay, quy định về quy trình GAP cho lúa trên thực tế vẫn chưa được ban hành và kèm theo là những quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh lúa gạo an toàn sẽ có nhiều ràng buộc về các tiêu chuẩn, tiêu chí thực hiện.
Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.