Cao Bằng: Trồng loài cây "cha già con mọc", chặt ôm vài bó đi bán lại có tiền tiêu
Cao Bằng: Trồng loài cây "cha già con mọc", chặt ôm vài bó đi bán lại có tiền tiêu
Chiến Hoàng
Thứ hai, ngày 11/01/2021 13:01 PM (GMT+7)
Khác với các loài cây vẫn được trồng trên rừng, cây trúc sào ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chỉ cần trồng một lần, cây "cha" già cây con mọc, cứ thế lan khắp rừng. Cây trúc sào ở xã Yên Lạc đã đem lại nguồn thu cho nhiều hộ gia đình đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ Trung tâm huyện lỵ Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng đến xã Yên Lạc mất chừng 2h đồng hồ. Chúng tôi không ít lần phải luồn qua mịt mùng sương, dò dẫm mà đi dưới tán trúc sào kín dọc hai bên đường cái quan như chốn phim trường.
Cây trúc sào ở Yên Lạc nhiều vô kể, mọc thẳng đứng như những mũi tên chĩa thẳng lên trời, cứ vậy chạy dọc lên những đỉnh núi cao nhất, hàng nối hàng, rừng nối rừng trùng trùng, điệp điệp.
Anh Hoàng Chàn Mình, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết, Yên Lạc cao, khí hậu mát lạnh, rất phù hợp với cây trúc sào. Trong xã, nhà nhà trồng trúc sào. Cây trúc sào không chỉ giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Là một cán bộ trẻ, năng động, trong câu chuyện của mình, Hoàng Chàn Mình luôn đau đáu tìm thêm hướng phát triển kinh tế cho địa phương. Anh luôn trăn trở với khí hậu như Yên Lạc, cao như Yên Lạc thì trồng cây gì để giúp dân làm giàu.
"Mình đã đi Bắc Kạn, Lạng Sơn, thấy cây na rất phù hợp với địa hình núi đá, ít đất như ở Yên Lạc. Tính trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ phổ biến cho nhân dân trong xã cùng thực hiện.
Điều kiện tự nhiên của Yên Lạc khá hạn chế, chủ yếu là núi đá, may cây trúc sào mọc được nhưng để đạt tuổi khai thác ít nhất phải 10 năm, nếu trồng thêm được cây gì có giá trị kinh tế cao mà thời gian ngắn hơn sẽ giúp được nhiều cho bà con", Chủ tịch UBND xã Yên Lạc tâm sự.
Nhà Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cũng trồng hơn 3ha cây trúc sào. Hoàng Chàn Mình bảo, cây trúc sào được cái trồng một lần là cây sẽ tự lan ra, nếu có sức, có đất thì trồng mới còn không, rễ cây mọc đến đâu cây con mọc đến đó.
Dẫn chúng tôi lên rừng trúc sào của một vài hộ tại bản Tàn Pà, nơi có hơn 26ha diện tích cây trúc sào, anh Hoàng Chàn Pao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lạc khẳng định, đây chính là cây giúp cho người dân trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo Hoàng Chàn Pao, toàn xã hiện có gần 80ha trồng cây trúc sào. Nhìn rừng trúc sào thân to bằng cổ tay, bắp chân người lớn mọc thẳng đứng, Hoàng Chàn Pao cho biết, người dân trong xã hiện thu nhập chính chủ yếu từ cây trúc sào, ngoài ra có thể trồng thêm cây u tẩu (dược liệu) hoặc cây dong riềng.
Tại nhà ông Đặng Văn Chàn, thôn Lũng Súng, chúng tôi được chứng kiến ông đang tất bật với những mẻ giấy bản được làm từ cây trúc non, ông Chàn cho bảo, gia đình có 3ha cây trúc sào, trung bình mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc khai thác cây non làm giấy bản.
Còn anh Triệu Văn Phúc cùng thôn thì cho biết, gia đình có khoảng hơn 1ha cây trúc sào. Cây đã trồng hơn 10 năm, rừng trúc sào nhà anh trung bình mỗi năm cho thu hoạch một lần.
"Ngoài thu hoạch trúc sào tại rừng nhà, tôi còn đi thu mua trúc cho bà con để vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Về cơ bản, cây trúc sào ở Yên Lạc này thẳng, đẹp nên giá cũng tương đối ổn định.
Trung bình mỗi tháng tôi chở khoảng 15 xe trúc sào từ Yên Lạc đi bán ở Hà Nội, Bắc Giang… người dân ở đây nhà trồng nhiều mỗi năm cũng cho thu từ 200 - 300 triệu đồng, nhà ít cũng chừng 50 - 60 triệu", anh Phúc cho biết thêm.
Theo anh Phúc, cây trúc sào chừng 4-5 năm đã có thể bán, tuy nhiên vẫn còn hơi non, trúc bán tốt là trúc có tuổi từ 8 đến trên 10 năm, còn những cây trúc sào dưới 4 tuổi bà con ở đây chủ yếu khai thác để làm giấy bản. "Cây trúc sào tại Yên Lạc đang là cây giúp người nông dân xã vùng sâu, vùng xa này thoát nghèo và vươn lên làm giàu", anh Phúc chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.