Cầu kỳ săn cù kỳ - loài hải sản giá trị vô song ở biển Quảng Ninh

Nguyễn Quý Thứ sáu, ngày 01/09/2017 06:10 AM (GMT+7)
Người ta biết đến cù kỳ với thịt dai, ngọt, đậm đà hương vị biển cả. Nhưng ít người biết đến nơi nương náu của cù kỳ, càng ít biết tới nghề đánh bắt loài hải sản giá trị vô song của vùng biển Quảng Ninh này...
Bình luận 0

Phải qua mấy lần hẹn, cuối cùng Hà Văn Hai (ngư dân xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cũng thu xếp cho tôi được cùng anh một chuyến “săn” cù kỳ trên vùng vịnh Bái Tử Long.

Chuyện về cù kỳ trong bữa cơm thịnh soạn

5 giờ chiều, hầu hết trên thềm nhà của ngư dân xã Hạ Long, huyện Vân Đồn đã dọn mâm cơm. Bữa tối được chuẩn bị sớm để những người trai còn chuẩn bị khởi hành chuyến lưới chài buổi đêm. Khi tôi đến, gia đình ông Hà Văn Thưởng (bố của Hà Văn Hai) ở thôn 8, xã Hạ Long) cũng đã quây quần bên mâm cơm.

Bữa cơm của gia đình một ngư dân Vân Đồn thịnh soạn hơn tôi tưởng. Cá đục rán giòn, ghẹ luộc chấm muối tương cay, cá rìa nấu riêu chua, mực luộc lá ổi, lại có cả bia hơi nhấm nháp... Nếu bữa ăn ấy ở nhà một người dân phố bình thường, thì hẳn là nhà đó hôm nay có khách.

Nhưng ở xã Hạ Long thì đó lại là một bữa ăn rất quen thuộc, bởi theo lời ông Thưởng, thì: "Ghẹ tôi bắt được, cá thì thằng lớn đánh lưới. Mình làm ra được, mình phải hưởng  những thứ ngon nhất trước đã chứ!". Đó là một quan niệm rất hào sảng, khác với những ngư dân ở vùng biển khác. Như với ngư dân ở đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), thì đánh bắt được con nào tươi ngon nhất họ chỉ dành để bán, thứ dành để ăn chỉ là những con không thể bán được nữa, hoặc không còn nhiều giá trị.

img

 Hai và bố gỡ cù kỳ trong những tấm lưới mới kéo về. ảnh: Nguyễn Quý

“Chỉ tiếc hôm nay không có cù kỳ để anh thưởng thức. Hồi trưa được gần 9kg, em bán vo hết mà quên mất không giữ lại con nào” – Hai nói, vẻ mặt chân thành. Tôi đáp: “Toàn món ngon thế này đã ăn hết đâu, với lại cù kỳ anh đã ăn nhiều rồi, chỉ có đặc tính của nó và nghề đánh bắt cù kỳ thì chưa hề biết tới”.

Hai nâng ly bia, chìa sang tôi rồi nói: “Uống hết đi, rồi đi lưới cù kỳ với em tối nay, đến sáng mai là anh biết hết à!”.

Cứ theo lời Hai nói, thì cù kỳ ngon nhất vào tháng 3-4. Lúc đó cù kỳ mang gạch (trứng), thịt chắc, dày. Tới tháng 5-6 là mùa sinh sản mạnh nhất. Cho đến tháng 8, khi bắt đầu có gió mùa, cù kỳ chui sâu vào hang đá, ít chịu ra kiếm ăn. Không giống như con ghẹ chuyên kiếm ăn dưới bùn, thức ăn của loài cù kỳ là những con hà sống bám vào tảng đá.

Nơi trú ngụ của chúng cũng là những khe đá ấy. Chỉ đến đêm cù kỳ mới rời khe kéo lên những mỏm đá kiếm ăn. Vịnh Bái Tử Long có hàng nghìn đảo đá lớn nhỏ chìm nổi giữa mênh mông biển nước. Vì vậy, nơi đây là vùng sống lý tưởng cho các loài thuộc họ cua đá, trong đó có cù kỳ...

Càng nghe Hai kể, tôi càng muốn nhanh chóng rời khỏi mâm cơm để bắt đầu chuyến trải nghiệm đầu tiên với nghề đánh bắt cù kỳ trên vịnh Bái Tử Long. Như hiểu điều ấy, Hai và vội bát cơm, ra bàn nước vê mồi thuốc lào, nhấp chén nước chè rồi đứng dậy khoát tay ra hiệu bảo tôi đi.

Khởi hành đi “săn”

Những con cù kỳ to nhỏ còn khua chân trong tấm lưới, được Hai khéo léo gỡ ra, rồi trói chặt bằng sợi nylon mỏng, ước chừng được khoảng 6kg. “Con to có giá 150.000 đồng/kg, con nhỏ được khoảng 120.000 đồng/kg...”.
Anh Hà Văn Hai 

6 giờ chiều mùa hè, trời vẫn còn sáng lắm. Chiếc thuyền nhỏ có gắn máy của Hai neo đậu ở bến cách nhà chỉ độ 300m, là phương tiện đưa chúng tôi ra ngoài vịnh, nơi có các bãi đá để thực hiện chuyến săn bắt cù kỳ.

Mọi hôm Hai vẫn đi một mình, vừa điều khiển chiếc thuyền máy, vừa thực hiện các thao tác thả hay kéo lưới. Nhưng hôm nay vì có tôi đi cùng, Hai muốn rảnh tay để có thể vừa thả lưới, vừa giới thiệu với tôi về cách đánh bắt, vì vậy Hai bảo vợ đi cùng và giao nhiệm vụ lái thuyền.

Đồ nghề đánh bắt cù kỳ của Hai là các treo lưới nylon. Mỗi treo lưới dài khoảng 70m, các mắt lưới thưa, không đều vì thường bị rách sau mỗi lần đánh. Hai có 10 treo lưới như vậy, nhưng mỗi lần đánh chỉ thả khoảng 7 đến 8 treo. Phải mất gần 1 giờ, chúng tôi mới tới các bãi đá mà Hai chọn. Lúc này mặt trời cũng đã khuất hẳn sau đỉnh núi đá, chỉ còn lại những quầng sáng vàng vọt, bóng núi ngả màu trầm tích.

Tôi hỏi: “Núi này có tên không?”. Hai cười, đáp: “Không đâu anh ơi! Bái Tử Long có hàng nghìn núi đá, đặt tên sao xuể, nhưng người đi biển lâu thì nhớ hình thù từng ngọn, cứ nhìn núi là tìm ra được hướng đi”. Tôi thầm thán phục, bởi trước mắt tôi, những ngọn núi mang đủ hình thù vây quanh như một ma trận, khó bề tìm được hướng đi ngay cả giữa ban ngày.

Hai ra hiệu cho vợ giảm ga, đi chậm lại, bắt đầu thả những mẻ lưới đầu tiên. Anh đứng trên mũi thuyền, một tay cầm treo lưới, tay kia đều đặn vung từng thếp lưới lên các ghềnh đá ngay sát mạn thuyền.

Hai bảo đánh lưới cù kỳ cứ theo con nước. Nước cạn thì thả lưới vây dưới chân ghềnh đá. Đến đêm khi cù kỳ kéo nhau ra ăn, chúng sẽ bị mắc chân, rồi cuộn mình vào những tấm lưới đó mà không có cách nào thoát ra được. Khi nước lên, người đánh bắt vẫn ngâm lưới ở đó, chờ đến khi nước rút, hoặc có thể ngâm lưới 1-2 hôm rồi mới ra kéo lưới về. Hết chân núi này lại qua chân núi khác, cuối cùng Hai cũng thả hết 8 treo lưới, với chiều dài gần 600m qua các ghềnh đá trên biển. Vợ Hai lái thuyền lướt nhẹ hướng về bờ, tiếng máy kêu “lạch tạch”.

Kéo lưới

10 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lại khởi hành trên chiếc thuyền máy ra vịnh kéo lưới. Cả tôi và Hai đều háo hức. Với Hai, được nhiều hay ít cũng không quá quan trọng, bởi nghề lưới chài như anh nói phải chấp nhận “buổi được, buổi thua”. Nhưng hôm nay vì có tôi đi cùng, Hai cũng muốn được thật nhiều cù kỳ, dường như là dịp để trổ tài với người “ngoại đạo”. Ông Thưởng đã nói đúng: “Nghề đánh cù kỳ kiếm được, nhưng không phải ai cũng làm được cái nghề này. Ngoài phải có thể lực tốt, thì người đánh bắt phải là người tháo vát, nhanh nhạy!”.

Hai vừa kéo lưới, vừa điều khiển chiếc thuyền một cách vô cùng khéo léo. Chiếc thuyền xoay chuyển để tránh không bị va đập vào những ghềnh đá, nhưng lại đủ gần để tự tay Hai kéo lưới lên. Những tấm lưới bị dắt vào gai đá hay những mảnh vỏ hà kéo vô cùng nặng, vậy mà Hai vẫn cứ một tay bứt phăng phăng. Cũng có lúc đứng trên thuyền không thể kéo lưới lên được, Hai lại nhảy đôi chân trần xuống những tảng đá bám đầy vỏ hà gai sắc để gỡ lưới.

img

  Mỗi kg cù kỳ bán được từ 120.000 - 150.000 đồng.ảnh: Nguyễn Quý

Mỗi treo lưới Hai kéo lên chỉ được khoảng 2 đến 3 con cù kỳ, to nhỏ đủ loại. “Bây giờ là cuối mùa, được thế cũng là khá rồi anh ạ!” – Hai cười giòn giã. Khi mặt trời đứng bóng trên đỉnh đầu, cũng là lúc Hai hoàn thành việc thu lưới. Những con cù kỳ to nhỏ còn khua chân trong tấm lưới, được Hai khéo léo gỡ ra, rồi trói chặt bằng sợi nylon mỏng, ước chừng được khoảng 6kg. “Chỗ này được bao tiền?” – tôi hỏi. “Con to giá 150.000 đồng/kg, con nhỏ khoảng 120.000 đồng/kg. Nhưng hôm nay không bán!” – Hai tuyên bố.

Bữa bia nhắm với cù kỳ trong một gia đình ngư dân Vân Đồn làm tôi nhớ mãi. Với tôi, cù kỳ trong các nhà hàng hải sản (thường có giá khoảng 300.000 đồng/kg) cũng không thể ngon như vậy. Hai cũng nói với tôi rằng chưa hôm nào đi đánh lưới cù kỳ mà lại vui như hôm nay, vì có tôi tham gia, chứng kiến, sẻ chia nỗi vui, buồn nghề biển./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem