Câu lạc bộ giúp nhau làm giàu ở Quảng Nam như thế nào mà nông dân phấn khởi ủng hộ?

Trương Hồng - Nguyễn Hưng Thứ năm, ngày 01/12/2022 06:08 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã tích cực chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở hướng dẫn hội viên, nông dân có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Qua đó, giúp nông dân kiên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Khi nông dân trở thành chủ câu lạc bộ, tổ hội

Cũng giống như các địa phương khác, người dân Tiên Sơn (Tiên Phước) biết tận dụng thế mạnh vườn đồi để chăn thả rông gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích đất vườn đồi được người dân trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu nên diện tích dành cho chăn thả rông gia súc, gia cầm bị thu hẹp, trước thực trạng đó, người dân chuyển qua nuôi nhốt. Năm 2017, các hộ dân ở thôn 5, Tiên Sơn đã thành lập câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò thâm canh bằng phương pháp nuôi nhốt.

Câu lạc bộ giúp nhau làm giàu ở Quảng Nam như thế nào mà nông dân phấn khởi ủng hộ? - Ảnh 1.

Các hội viên tham gia mô hình chăn nuôi bò ở xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước. Ảnh: N.H

Đầu năm 2021 CLB thay đổi tên gọi bằng chi hội chăn nuôi bò thâm canh. Mục đích tiếp tục đoàn kết, tập hợp các thành viên trong chi hội chăn nuôi bò tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Qua 5 năm hoạt động, số thành viên tham gia chi hội đã tăng lên 15 người với tổng số trên 120 con bò. Nhờ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi nên đàn bò của các thành viên phát triển tốt. Sự đoàn kết, gắn bó trong chi hội được phát huy.

Ông Đặng Tấn Anh (thôn 5, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) chia sẻ: "Tham gia vào chi hội nghề nghiệp, định kỳ mỗi tháng các thành viên trong chi hội gặp gỡ, trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong việc chăm sóc, phòng, chống một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò. Tham gia vào chi hội các thành viên góp tháng 1 triệu đồng/ tháng quay vòng, thành viên nào khó khăn hơn sẽ được hỗ trợ trước để mua con giống, thức ăn phát triển đàn bò".

Câu lạc bộ giúp nhau làm giàu ở Quảng Nam như thế nào mà nông dân phấn khởi ủng hộ? - Ảnh 2.

Nhiều nông dân ở Tiên Phước tham gia vào chi, tổ hội để cùng giúp nhau làm giàu. Ảnh: T.H

Từ thành công của mô hình đến nay xã Tiên Sơn đã phát triển thêm 2 chi hội tại thôn 3, thôn 4 và 1 tổ hội chăn nuôi bò thâm canh tại thôn 1 của xã. Nhằm tạo điều kiện cho các thành viên trong chi hội nghề nghiệp có vốn để nâng cao chất lượng đàn bò sinh sản, Hội Nông dân xã Tiên Sơn cũng tạo điều kiện cho các hội viên có nhu cầu vay vốn để mua thêm bò giống và nâng cấp chuồng trại.

Ông Huỳnh Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Sơn cho biết: "Hội Nông dân xã Tiên Sơn luôn quan tâm tạo điều kiện, cử cán bộ cùng tham gia sinh hoạt với chi hội nghề nghiệp, nắm bắt được thuận lợi, khó khăn để kịp thời giúp đỡ, kiến nghị về trên. Mục đích thành lập chi hội là giúp hội viên nông dân liên kết lại cùng nhau hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng".

Câu lạc bộ giúp nhau làm giàu ở Quảng Nam như thế nào mà nông dân phấn khởi ủng hộ? - Ảnh 3.

Nông dân Tiên Phước đẩy mạnh việc phát triển kinh tế từ việc chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Ảnh: T.H

Học tập từ mô hình này, Hội nông dân xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước cũng đã xây dựng một Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò lai bước đầu phát huy hiệu quả. Theo quy định, hằng tháng chi hội tổ chức sinh hoạt định kỳ một lần trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc và phát triển đàn bò. Ngoài ra, các thành viên tham gia chi hội nghề nghiệp còn tham gia đóng góp quỹ quay vòng 500 nghìn đồng/ tháng giúp nhau phát triển nhân rộng đàn bò.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò Tiên Phong chia sẻ: "Sau khi đi tham quan mô hình chăn nuôi bỏ ở Tiên Sơn về anh em chúng tôi thấy trăn trở tại sao điều kiện tự nhiên giống ở quê mình, người ta làm được mình thì không. Từ suy nghĩ đó 6 anh em chúng tôi đứng ra thành lập chi hội nghề nghiệp nuôi bò thâm canh, nhìn chung đàn bò lai thâm canh nuôi nhốt phát triển tốt, ít bị nhiễm bệnh hơn so với thả rông trước đây".   

Hiệu quả từ mô hình chi tổ hội nghề nghiệp

Đến nay, trên địa bàn huyện Tiên Phước, Quảng Nam một số mô hình của các tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Câu lạc bộ giúp nhau làm giàu ở Quảng Nam như thế nào mà nông dân phấn khởi ủng hộ? - Ảnh 4.

Một CLB đồ gỗ do nông dân Tiên Phước lập nên đẻ giúp nhau phát triển kinh tế. Ảnh: N.H

Nhiều tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp sau thời gian hoạt động hiệu quả đã mạnh dạn đầu tư, tiến tới thành lập hợp tác xã để nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất. Trong 5 năm, Hội Nông dân huyện Tiên Phước đã trực tiếp hướng dẫn, thành lập mới 19 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, CLB nông dân sản xuất kinh doanh; xây dựng được 8 chi hội và 9 tổ hội nghề nghiệp với 238 thành viên. 

Câu lạc bộ giúp nhau làm giàu ở Quảng Nam như thế nào mà nông dân phấn khởi ủng hộ? - Ảnh 5.

Mô hình phát triển kinh tế vườn của nông dân Tiên Phước. Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Phước cho biết: "Hội Nông dân huyện Tiên Phước luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thúc đẩy việc hình thành, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Hội tranh thủ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tạo điều kiện cho các chi hội, tổ hội nghề nghiệp vay vốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho nông dân".

Có thể nói, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chung tay cùng với huyện Tiên Phước trong việc xây dựng huyện nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem