Nuôi ốc bươu đen đuổi cũng không chạy, bơi chậm như rùa, anh nông dân Cà Mau thu 30 triệu/tháng
Nuôi con đặc sản đuổi cũng không chạy, bơi chậm như rùa, anh nông dân Cà Mau thu 30 triệu/tháng
Anh Phan (Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau)
Thứ hai, ngày 28/11/2022 15:00 PM (GMT+7)
Nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp nguồn ốc bươu đen giống chất lượng cho người dân ở trong và ngoài địa phương là mô hình khởi nghiệp thành công của anh Lê Thanh Phong, hội viên nông dân ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
Gia đình Lê Thanh Phong, ở ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau có diện tích đất sản xuất khoảng 8 công lớn.
Nhiều năm qua, do diện tích đất sản xuất nhỏ, nguồn nước bị ô nhiễm nên việc nuôi tôm của gia đình anh luôn thất bát, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, còn chật vật.
Anh Lê Thanh Phong, ở ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đang thu hoạch ốc bươu đen nuôi trong bể lót bạt để xuất bán.
Hơn một năm qua, qua tìm hiểu, anh Phong nhận thấy ốc bươu đen là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lúc đầu, anh Phong cải tạo diện tích đất xung quanh nhà, đào 2 ao hầm đất, diện tích mỗi ao khoảng 20 m² nuôi thử nghiệm ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp nguồn giống chất lượng cho bà con ở trong và ngoài địa phương.
Số ốc bươu đen giống này khoảng 2 kg do một người bạn ở tỉnh Bến Tre cho con giống. Sau 5 tháng thả nuôi, ốc phát triển tốt và ốc bươu đen bắt đầu đẻ trứng. Anh Phong bắt đầu có thu nhập từ bán ốc thương phẩm và ốc giống. Đồng thời, có nguồn ốc giống tự nhiên để nhân rộng mô hình.
Đến nay, gia đình anh Phong có trên 10 ao hầm đất nuôi ốc bươu đen thương phẩm và ốc giống. Trung bình mỗi ao thả nuôi khoảng 3.000 con ốc bươu đen.
Anh Phong cho biết: “Ốc bươu đen thương phẩm nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất bán. Mật độ thả nuôi 200 - 250 con/m², trọng lượng đạt 20 - 25 con/kg, giá bán hiện là 70.000 đồng/kg. Ốc bươu đen không ăn cám công nghiệp, thức ăn hoàn toàn tự nhiên như rong, tảo, cỏ, chuối cây, các loại bèo, mướp, bầu, bí…".
Hiện nay, gia đình anh Phong cung cấp ra thị trường mỗi ngày từ 10 kg đến 20 kg ốc bươu đen thương phẩm. Nhờ đó, gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lê Thanh Phong đạt hiệu quả cao, cần được nhân rộng.
Ngoài ra, anh Phong còn cung ứng ốc giống cho nhiều người dân trong vùng cùng nuôi. Theo đó, anh đã dành khoảng 20 m² để nuôi ốc bố mẹ, mật độ khoảng 70 - 100 con/m².
Mỗi ngày ốc đẻ trứng khoảng 200 gam đến 300 gam. Trung bình, mỗi 1 kg trứng ốc bươu đen nở ra 12.000 con ốc giống.
Những con ốc giống đó sẽ được theo dõi kỹ lưỡng, sau khi trứng nở khoảng 15 ngày là xuất bán được. Trước đây, do anh Phong chưa có kinh nghiệm ươm, tỷ lệ trứng nở chỉ đạt trên 50%, nhưng hiện nay tỷ lệ trứng nở đã đạt trên 90%.
Do nhu cầu nuôi ốc bươu đen giống tăng cao, hiện nay trung bình mỗi tháng có thể cung cấp giống ốc bươu đen cho các hộ dân trong và ngoài địa phương, bình quân từ 20.000 con đến 50.000 con ốc giống, với giá bán 300 đồng/con.
Như vậy, trung bình mỗi tháng gia đình anh Phong có thu nhập gần 30 triệu đồng từ bán ốc bươu đen thương phẩm và ốc giống.
Trung bình mỗi tháng, anh Phong cung cấp từ 20.000 con đến 50.000 con ốc bươu đen giống.
Ông Tạ Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Hưng Tây (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Hiện nay, ốc bươu đen là món ăn được người ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình nuôi ốc bươu đen, không tốn nhiều chi phí và là hướng đi bền vững giúp người dân làm giàu trên mảnh đất của mình.
Mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Lê Thanh Phong cho thu nhập khá cao. Thành công từ mô hình nuôi ốc bươu đen của gia đình anh Phong đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong việc đa dạng hóa cơ cấu con nuôi. Vì vậy, mô hình này cần được xem xét và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.