Nuôi ốc bươu đen, một trai bản dân tộc Thái ở Nghệ An "bắt" ra tiền, nhiều người đến ao xem
Nuôi ốc bươu đen, một trai bản dân tộc Thái ở Nghệ An "bắt" ra tiền, nhiều người đến ao xem
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ tư, ngày 30/11/2022 05:04 AM (GMT+7)
Tích góp được chút vốn, anh Trương Duy Luých, dân tộc Thái về quê ở xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, học hỏi các mô hình, biến những ao sình trong làng thành hồ nuôi ốc bươu đen, giúp cả xóm có việc làm, thu nhập ổn định.
Anh Luých sinh ra và lớn lên tại xóm Ráng, một trong những xóm nghèo thuộc diện 135 của xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
5 năm làm thuê trước khi về nuôi ốc bươu đen
Sau khi tốt nghiệp THPT, điều Trương Duy Luých (27 tuổi, người dân tộc Thái) luôn trăn trở làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình và cho người dân trong xóm.
Nhưng làm gì cũng phải có vốn, vậy là Trương Duy Luých nam tiến 5 năm làm thuê đủ nghề. Đến năm 2016, sau khi tích góp được ít vốn, anh quyết định về quê ở xóm Ráng, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn lập nghiệp.
Trước đây, nhiều vùng đất của xóm Ráng là đầm lầy bỏ hoang, nhận thấy, nhu cầu của thị trường về con ốc bươu đen rất lớn, những đầm lầy tại địa phương cũng rất thích hợp để con ốc bươu đen sinh trưởng. Vậy là Trương Duy Luých tìm tòi học hỏi các mô hình, sau đó nạo vét, đắp bờ đầu tư nuôi loại ốc bươu đen đặc sản.
Nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều công sức, tiền của. Thời gian nuôi từ khi đẻ trứng đến khi xuất bán khoảng 4 tháng. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là những thứ có sẵn ở địa phương như lá sắn, xơ mít, bèo, lá chuối...
Hiện nay, gia đình anh Trương Duy Luých có 3 ao nuôi ốc bưu đen, với diện tích hơn 7 sào, mỗi năm thu hoạch nhập từ ốc bưu đen giống và thịt ốc bưu đen trên dưới 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Trương Duy Luých cũng là người đầu tiên mạnh dạn đưa giống mía mới KK3 về xóm để trồng, rồi hướng dẫn cho bà con, đoàn viên thanh niên cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Anh Trần Duy Luých chia sẻ: "Xóm Ráng là một xóm nằm vùng 135, các hộ dân trong xóm hầu hết là dân tộc Thái, kinh tế phụ thuộc nương rẫy. Thời điểm năm 2017 chiếm 45 - 47% hộ nghèo. Cách đây 2 năm tôi đã vận động, tuyên truyền bà con nhân dân học những mô hình hay như mô hình nuôi ốc bươu đen của tôi đây và một số mô hình nuôi gà, dưa lê, dưa lưới. Có hướng đi đúng, khoa học, kinh tế của bà con sẽ được cải thiện".
Những mô hình kinh tế mới của Luých không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình mà đã khẳng định cho thanh niên cũng như bà con trong xóm, trong bản nếu chịu khó, quyết tâm thì ai cũng có thể làm giàu bằng chính khả năng, sức lao động trên chính mảnh đất quê hương mình.
Chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế với thanh niên nông thôn
Để có những đồi mía, vườn cam xanh tốt, trĩu quả như ngày hôm nay, Luých đã phải mạnh dạn, tiên phong miệng nói, tay làm để bà con tin.
Anh Nguyễn Văn Cường (trú tại xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn) chia sẻ, thấy anh Luých nuôi ốc bươu đen rất phát triển, thu nhập cao nên đã tìm đến mua con giống. Năm 2019, anh Cường mua của anh Luých khoảng 5 vạn con ốc bưu đen nhỏ, sau một năm thu hoạch, sau khi trừ chi phí lãi 70 triệu đồng.
Giờ đây những ao sình trong làng, trong xã đã trở thành các mô hình nuôi ốc bươu đen giúp bà con có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Ngoài việc giúp xóm bản trong việc phát triển kinh tế, Trương Duy Luých còn là một bí thư chi đoàn năng nổ nhiệt tình với các phong trào của đoàn, địa phương phát động.
Anh Trương Đức Kiệm (trú tại xóm Ráng, xã Nghĩa Đức) cho biết: "Ngày xưa đất ở đây toàn trồng màu nên hiệu quả kinh tế không cao. Tôi đi làm ăn xa, bôn ba về thấy anh Luých mạnh dạn đầu tư nuôi ốc bươu đen rất hiệu quả, tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi kinh tế từ trồng màu sang trồng cam. Thấy mới đầu cũng có chút khởi sắc rồi, cam cũng dễ chăm, hiện đã bắt đầu cho thu hoạch khá".
Từ cách tuyên truyền, vận động cùng với mô hình thiết thực của anh Trương Duy Luých, đến nay, ở Nghĩa Đức đã hình thành những vùng chuyên canh cây mía, cây cam và cũng đã có nhiều mô hình cây ăn quả mới cho giá trị kinh tế cao.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xóm Ráng, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn giảm từ 22 hộ năm 2016 xuống còn 4 hộ vào năm 2019, nhiều hộ xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền.
Ông Trương Văn Cường (xóm trưởng xóm Ráng, xã Nghĩa Đức) cho biết, xóm Ráng thuộc xóm 135 vùng sâu vùng xa của xã Nghĩa Đức, số thanh niên lập nghiệp ở nhà rất ít. Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Luých đã tạo công ăn việc làm, có thu nhập. Qua đó, một số thanh niên ở trong xóm cũng đã học hỏi, chuyển đổi, tập trung ở nhà làm ăn, quá đó góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều gia đình tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.