Cầu nối của Hội trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Kim Oanh Chủ nhật, ngày 24/06/2018 18:41 PM (GMT+7)
Ngày 25 và 26.6 tại TP.Đà Nẵng, Bộ NNPTNT và UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Báo NTNN/ Dân Việt tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp công nghệ cao”. Hội thảo sẽ có khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương cùng lãnh đạo, nông dân tiêu biểu đến từ các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cùng nhiều phóng viên báo, đài Trung ương và địa phương tham dự đưa tin.
Bình luận 0

img

Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa của anh Nguyễn Xuân Hùng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Với hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao (CNC) mang lại, Đà Nẵng đang dành nhiều nguồn lực để phát triển, khuyến khích nhân rộng các mô hình cũng như thu hút các nhà đầu tư.

Hiệu quả ứng dụng nông nghiệp CNC

Hội ND thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Thành phố đã quy hoạch hơn 500ha dành cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kêu gọi đầu tư vào trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín và hiện đã có 7 nhà đầu tư triển khai các dự án. Đến nay, các mô hình trong vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Ninh, Hòa Phú, huyện Hòa Vang bước đầu đã được triển khai. 

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã hoàn thành xong công tác quy hoạch, chọn địa điểm, triển khai lập đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 117 hecta tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng cho biết, điển hình như các mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành ứng dụng CNC vào sản xuất của gia đình hội viên nông dân Nguyễn Xuân Hùng (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của những người trồng hoa với lợi nhuận 250 triệu đồng/năm từ hơn 10.000 gốc hoa lan. 

Mô hình trồng rau sạch của anh Nguyễn Hữu Thịnh tại vùng rau Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) đã thực hiện mô hình sản xuất các mặt hàng nông sản an toàn, phân phối đến tận tay người tiêu dùng. Mô hình này, bước đầu mang lại hiệu quả mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng. 

Để giảm sức, ngày công lao động, anh Thịnh đã đưa các thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Mặt khác, để tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, anh đã lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản lý, giám sát sản xuất và sản phẩm ngay tại vùng rau. Đây là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Nông dân khó tiếp cận vốn đầu tư

Ông Vân đánh giá, hiện tại mức độ sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với kỳ vọng. Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp CNC để hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản lượng lớn để sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

img

Các mô hình trồng hoa ứng dụng CNC đang đem lại hiệu quả kinh tế cho trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Hội chủ động nghiên cứu, khảo sát các địa điểm được phê duyệt quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tuyên truyền đến các doanh nghiệp nông nghiệp, các hộ nông dân có điều kiện về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu đãi về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Không chỉ tổ chức kết nối các doanh nghiệp, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố, Hội còn chủ động kết nối với Hội ND các tỉnh bạn để giới thiệu về những chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, nhiều cá nhân, đơn vị các tỉnh bạn đã đến trao đổi trực tiếp các điều kiện cần thiết để có thể đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, Chính phủ cũng như Đà Nẵng có nhiều chính sách thu hút chính sách ưu đãi hỗ trợ nhằm khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp nông thôn nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện tại vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nhiều chính sách ưu đãi tín dụng hay lãi suất dành cho doanh nghiệp và nông dân được ban hành nhưng thực tế, người cần vốn đã không thể tiếp cận được.

Ông Vân cho biết thêm, việc đầu tư, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian hoàn trả nguồn vốn lâu dài nên việc được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi và thời gian vay vốn đủ để tổ chức sản xuất là điều kiện rất cần thiết đối với nông dân khi đầu tư xây dựng mô hình.

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi giá thành sản phẩm nông nghiệp CNC thường cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, nhưng giá bán lại không cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Do vậy rất khó cho các cá nhân hộ nông dân đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Tình trạng người nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo kiểu truyền thống, tự tiêu thụ sản phẩm, chưa có ý thức về thị trường vẫn còn nhiều, do đó việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Đầu ra cho sản phẩm không ổn định đã khiến người sản xuất không mặn mà với việc đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng nông nghiệp CNC.

“Nhà nước cần có những giải pháp để cụ thể những chính sách về vốn đến với nông dân, tránh tình trạng việc ban hành văn bản thì có nhưng việc triển khai thực hiện thì gặp muôn vàn khó khăn. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo tay nghề lao động phù hợp với việc áp dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cần chuyển giao những tiến bộ về giống, kỹ thuật, phân bón và hoạt động bảo quản, chế biến sau thu hoạch…” - ông Vân kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem