Cầu nối đưa nông dân thoát nghèo

Thứ năm, ngày 18/11/2010 05:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong năm 2010, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm Hà Tĩnh đã thực sự làm cầu nối đưa nông dân trong tỉnh thoát nghèo, tiến lên làm giàu.
Bình luận 0

 Dạy nghề cho 1.600 nông dân

img
Dạy nghề thêu cho nông dân ở Hà Tĩnh.

Theo bà Trần Thị Thanh- Giám đốc Trung tâm, năm 2010, về công tác dạy nghề, Trung tâm đã phối hợp với các tổ chức, trung tâm đào tạo được 51 lớp cho 1.600 hội viên nông dân trên địa bàn. Đáng chú ý, trong dạy nghề ngành chăn nuôi thú y, Trung tâm đã tổ chức 8 lớp cho 249 lao động nông thôn, trong đó có 98/249 lao động thuộc diện hộ nghèo, 40 lao động nữ tại các xã Đức Đồng, Khánh Lộc, Kỳ Khang, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Bình, Tân Lộc…

Về dạy nghề trồng trọt, Trung tâm đã tổ chức 3 lớp trồng rau an toàn tại Kỳ Tiến, Kỳ Giang và Thạch Lâm cho 105 lao động nông thôn (có 75 nữ tham gia). Các học viên được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh, sản xuất chế phẩm sinh học để quản lý dịch hại tổng hợp, chăm sóc cây trồng và điều tra hệ sinh thái trên ruộng rau... "Bằng phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm, cầm tay chỉ việc, gắn lý thuyết với thực hành và tạo cơ hội để học viên chia sẻ kinh nghiệm với nhau, chính vì thế chất lượng các lớp học nghề được cán bộ lãnh đạo và học viên ở các địa phương đánh giá cao"- bà Trần Thị Thanh cho biết.

Hỗ trợ nông dân, kết nối thị trường

Ngoài dạy nghề, công tác hỗ trợ nông dân cũng được Trung tâm chú trọng thực hiện. Nhìn lại gần 1 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị khác cung ứng 5.430 tấn phân bón các loại, 143 xe ô tô tải nhẹ và máy nông nghiệp cho nông dân. Hỗ trợ nông dân xây dựng 57 mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời, thu hút nguồn kinh phí tổ chức được 1.161 lớp tập huấn chuyển giao KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt, kế toán hộ, sửa chữa máy nông nghiệp, bảo vệ rừng và môi trường, phổ biến pháp luật... cho 86.927 cán bộ, hội viên và nông dân.

Nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh, từ tháng 1 - 2010, Trung tâm đã xây dựng cửa hàng "Nông sản an toàn". Sau gần 1 năm hoạt động, cửa hàng đã kết nối với thị trường 19 chủng loại sản phẩm của 15 nhóm nông dân, được thị trường ưa chuộng như: Gạo Hương thơm, rượu nếp Khánh Lộc, Tuyết Mai, Văn Lâm, mật mía Sơn Thọ, đậu lạc Ân Phú- Vũ Quang…

Trung tâm cũng đã tổ chức cho cán bộ phòng truyền thông, tư vấn đào tạo và phòng thị trường tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Hà Nội; tổ chức giới thiệu 5 mặt hàng lên sàn giao dịch nông nghiệp thực phẩm của Hội Nông dân Việt Nam... “Việc kết nối thị trường đã giúp người dân trong tỉnh tìm được đầu ra và giúp quảng bá được hàng hoá nông sản trong tỉnh. Nhiệm vụ này, trong năm 2011 sẽ tiếp tục được Trung tâm đẩy mạnh”- bà Thanh khẳng định.

img Chúng tôi đề nghị UBND các cấp phân bổ ngân sách cho Hội Nông dân các cấp để tổ chức tuyên truyền thực hiện QĐ 1956 của Chính phủ đến tận người dân, trên cơ sở đó để Hội Nông dân cơ sở khảo sát nhu cầu và tư vấn học nghề cho lao động nông thôn img
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem