Cây bạch đàn bỗng chết héo hàng trăm ha ở Thái Nguyên, ống khói nhà máy gang nghi ngút bốc lên
Cây bạch đàn bỗng khô lá, chết héo hàng trăm ha ở một huyện của Thái Nguyên, chưa rõ nguyên nhân
PV
Thứ sáu, ngày 29/09/2023 11:15 AM (GMT+7)
Hàng trăm hecta bạch đàn trên địa bàn một số xã của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thời gian gần đây bỗng xuất hiện tình trạng khô lá, chết héo chưa rõ nguyên nhân. Các cơ quan chuyên môn cũng đang xác định nguyên nhân.
Nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng cây bạch đàn bị khô lá, chết héo trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên với diện tích lớn. Clip: Hà Thanh
Nhiều diện tích bạch đàn bỗng khô lá, chết héo
Phản ánh tới báo điện tử Dân Việt, một số hộ dân ở xóm Chí Son, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Khoảng một tháng trở lại đây, nhiều diện tích bạch đàn của các hộ dân trên địa bàn xóm bỗng nhiên xuất hiện tình trạng bị khô lá, rụng lá và chết héo.
Để tìm hiểu thực hư sự việc, ngày 21/9, PV Dân Việt đã có mặt tại khu vực xảy ra tình trạng này để ghi nhận. Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thành (xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: "Gia đình tôi sống gần nhà máy luyện gang của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đã nhiều năm nay. Hằng ngày, bụi từ nhà máy xả ra gây ô nhiễm nguồn nước. Nhà tôi có 2 cái giếng, 1 giếng khoan và 1 giếng khơi nhưng chúng tôi không thể sử dụng được, phải lấy nước từ nơi khác về dùng. Cây cối trên đồi như keo, bạch đàn thì khô héo và chết, lúa và hoa màu cũng không thu hoạch được. Còn cây chè do bụi bặm nên không thể bán tươi".
Ông Thành bày tỏ, mong nhà máy xử lý để đỡ khói bụi, đỡ ô nhiễm, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chúng tôi.
Chị Hoàng Thị Thanh (xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, gia đình chị sống ngay sát nhà máy luyện gang Nam Son.
Khoảng vài ngày nay, công ty thường xuyên xả khói bụi khiến cây cối, rau màu của gia đình bị chết. Nhiều diện tích bạch đàn bị héo khô gây ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình.
Sau khi xảy ra tình trạng nói trên, chị Thanh và một số hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi lên UBND xã Nam Hòa nhờ giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể.
Còn gia đình chị Trần Thị Năm (xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) hiện có gần 2 sào trồng dưa chuột. Mỗi năm, gia đình chị thu hoạch được khoảng 2 tấn quả, thu lãi trên 20 triệu đồng. Tuy nhiên vài ngày gần đây, toàn bộ diện tích trồng dưa của gia đình bỗng bị cháy lá, khô héo, không biết có được thu hoạch không nữa.
Bà Trương Thị Kẻm (xóm Chí Son, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cũng rất bức xúc khi PV tiếp cận: "Gia đình tôi hiện có khoảng 3ha diện tích trồng cây bạch đàn. Toàn bộ diện tích này đều đang có hiện tượng khô lá và héo. Chúng tôi đã làm đơn gửi lên xã và nhờ các đơn vị về lấy mẫu xét nghiệm nhưng đến nay chưa rõ kết quả ra sao".
Đã mời cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt ngày 22/9, ông Chu Phương Đông – Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên khẳng định, không có chuyện nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cây cối của các hộ dân xung quanh. Đơn vị đã thực hiện tốt các vấn đề về môi trường theo quy định.
Được biết, sau khi có ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng bạch đàn bị khô lá, UBND xã Nam Hòa đã mời các cơ quan chuyên môn kiểm tra xác định nguyên nhân cây bạch đàn bị khô lá.
Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên kiểm tra thực địa, xem xét hiện tượng khô lá của cây bạch đàn tại lô 1, khoảnh 5, tiểu khu 202.
Theo kết quả kiểm tra trên mẫu đất, mẫu cây bị khô, không phát hiện thấy sinh vật gây hại (nấm, vi khuẩn, tuyến trùng). Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang tiếp tục lấy mẫu lần 2 để giám định và tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Hiện nay, không chỉ ở xã Nam Hòa, thời gian gần đây, nhiều diện tích bạch đàn trên địa bàn xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (giáp ranh với xã Nam Hòa) cũng xuất hiện tình trạng bị đỏ lá và rụng lá. Theo thống kê bước đầu của xã Văn Hán, ước tính diện tích thiệt hại lên tới hơn 100ha.
Trong cuộc làm việc với PV Dân Việt, ông Lường Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết, hiện trên địa bàn xã Văn Hán có tổng diện tích rừng khoảng hơn 4.000ha, trong đó diện tích trồng cây bạch đàn chiếm khoảng 5% (tương đương 250ha). Từ đầu năm đến nay, nhiều diện tích cây bạch đàn trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng đỏ lá, rụng lá.
Theo nhận định và đánh giá ban đầu, chính quyền địa phương xác định đây là hiện tượng sâu. Qua tìm hiểu, thấy xuất hiện bọ xít chích hút và nhện đỏ trên cây bạch đàn. Còn vấn đề về bệnh, xã cũng chưa xác định được.
Trước tình trạng nói trên, UBND xã đã có trao đổi với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) để các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác nguyên nhân.
Cũng theo ông Hoan, trong vài năm trở lại đây, người dân tự phát chuyển đổi sang trồng cây bạch đàn. Xã không khuyến khích bà con trồng loại cây này tại địa phương.
Trước hiện tượng cây bạch đàn bỗng dưng xuất hiện tình trạng khô lá, chết héo nói trên, đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên khẩn trương vào cuộc tìm ra nguyên nhân cụ thể để có phương án xử lý kịp thời, tránh gây hoang mang cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.