|
Triệu phú Trần Thanh Hảo thu hoạch mủ cao su. |
Cách đây 5 năm, đói nghèo còn bủa vây trong mỗi nếp nhà ở Tân Thủy, năm nào các gia đình cũng thiếu ăn 5 tháng. Đất bạt ngàn lau sậy. Mưa nắng, bão bùng bất thường. Tôi thầm hỏi, không biết bao giờ Tân Thủy mới tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Đổi đời từ “vàng trắng”
Vậy mà giờ đây, vẫn mảnh đất ấy, song thu nhập bình quân đầu người đã đạt 15-20 triệu đồng/năm. Làng có chưa đầy 80 hộ, riêng tổng thu từ cao su năm 2010 đạt hơn 21 tỷ đồng...
Bình quân mỗi tháng cao su đem về cho Tân Thủy gần 3 tỷ đồng. Nhờ cao su mà nay thôn không có hộ nghèo, hộ giàu chiếm 25%.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Dương
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng thôn Tân Thủy, đưa chúng tôi đi thăm rừng cao su của bà con trong thôn. Cao su đang vào độ tuổi khai thác chạy ngút tầm mắt. Ông Dương nhớ lại: Năm 1993, làng kinh tế mới Tân Thuỷ được thành lập với tên gọi làng Cây Dưới. Khi bà con mới lên đây, toàn lau lách, hố bom và cả thú dữ; không đường, không trạm y tế, không điện thắp sáng, không cả hàng xóm láng giềng...
Đêm nằm nghe tiếng mang tác rợn gáy. Cả làng chỉ có 15ha đất trồng lúa nước. Diện tích còn lại là gò đồi toàn sỏi đá chỉ có thể trồng cây sắn cứu đói. Lúc đó, nhiều người muốn quay về làng cũ.
Chính quyền địa phương kiên trì vận động bà con ở lại khai hoang, phục hóa đưa cây cao su vào trồng. "Tân Thủy bây giờ có diện tích cao su lớn nhất xã, với 350ha tiểu điền, trong đó hơn 300ha đã cho khai thác mủ từ 1-4 năm. Bình quân mỗi tháng cao su đêm về cho Tân Thủy gần 3 tỷ đồng. Nhờ cao su thôn không có hộ nghèo, hộ giàu chiếm 25%"-ông Dương hãnh diện.
Những tỷ phú nông dân
Đang cùng vợ thu mủ cho kịp chuyến xe chiều, anh Nguyễn Văn Dương hồ hởi: "Nhà tôi có hơn 4ha cao su đang vào tuổi khai thác. Trừ chi phí, mỗi ngày, gia đình tôi bỏ túi từ 2,7-3,5 triệu đồng".
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi giữa vườn cây trĩu quả, chị Bùi Thị Huệ (36 tuổi) mở đầu câu chuyện bằng hồi ức nhọc nhằn: "Hồi trước vùng này chỉ toàn lau lách, hố bom và đầy thú dữ. Năm 1995, vợ chồng tôi tôi dắt díu lên đây lập nghiệp với tài sản duy nhất 50kg gạo. Nhiều lúc tôi chỉ muốn bỏ về.
Chồng tôi động viên ở lại. Để quên đi nhọc nhằn, buồn tẻ, hai vợ chồng lao vào khai hoang trồng rừng, lập trang trại". Đến nay vợ chồng chị đã gây dựng được cơ nghiệp với 6ha cao su, trừ chi phí thuê 5 nhân công lao động, mỗi ngày thu về khoảng 1,7 triệu đồng. Ngoài ra, anh chị còn nuôi 15 con bò cái lai Sind, hàng trăm con gà lấy thịt…
Ngắm trang trại của anh Lê Chí Linh - Chủ nhiệm HTX Tân Thủy, không ai nghĩ rằng cách đây mươi năm, để con khỏi đói dài ngày, người nông dân này đến sắn mì cũng phải cân đo từng bữa. Hiện, trang trại của anh có 3,5ha cao su, 4,5ha rừng, 4ha sắn, 150 cây ăn quả, 500 gốc tiêu... Lúc cao điểm trang trại của anh có khoảng 40 lao động làm việc. Không cần tính đến nguồn thu, chỉ nhìn ngôi nhà rộng thênh thang và nụ cươi mãn nguyện trên gương mặt của Lê Chí Linh đủ khiến nhiều người phải mơ ước.
Hàng trăm ông chủ nông dân ở Tân Thủy cười nhẹ tênh như vậy bởi đã được đất đai Tân Thủy đền bù xứng đáng cho những gì họ đã bỏ ra. Anh Dương bộc bạch: "Với diện tích cao su hiện có, chúng tôi sẽ đầu tư chiều sâu, phát triển các dịch vụ vận chuyển, chế biến... để ổn định đầu ra cho sản phẩm của bà con”.
Phan Uyên Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.