|
Cây nhọ nồi |
Những thài lài, rau rệu, rau sam, thòn bót, rau nhọ nồi, mằn tưới, cỏ sữa, cỏ mằn trầu, xương rồng, đài bi, cam kiềng trên vườn tược, ruộng đồng... trên rừng thì dây gắm, cây núc nác, dây cẩm cù, tổ rồng (cốt toái bổ) và nhiều loại tầm gửi như tầm gửi cây gạo, tầm gửi cây ngái, cây mít… một thời quấn lấy cuộc sống con người, không chỉ làm thức ăn mà còn là muôn thứ thuốc chữa bách bệnh từ giảm sốt nóng, bệnh ngoài da, phù thũng đến thương tật hoặc bệnh nội tạng… nay gần như bị lãng quên hoàn toàn.
Tôi đoán chắc tên những các loài cỏ dại la liệt trên vườn nhà, trên triền đê và trong rừng kia hết sức thông thường với đời sống, nhưng giờ trở nên xa lạ vì nhiều người không biết tên, và càng không biết công dụng của nó với sức khỏe con người. Đi lên càng nhanh người ta càng nhanh quên quá khứ, những thứ mà người đi trước đã từng giúp họ tồn tại.
Ngày trước, những người làm thuốc Nam, hái thuốc chọn ngày mùng 5 tháng 5 đi từ lúc mờ sương, cây thuốc đem về đến nhà mặt trời mới mọc. Có cây thuốc khi hái phải căm hơi (nín thở) đi 7 bước, hái xong lùi ra 7 bước mới được thở thì thuốc mới linh nghiệm. Lại còn việc trả lễ gốc cây thuốc sau khi chữa bệnh bằng bát gạo nhúm muối rắc lên xung quanh gốc cây kèm theo lời cảm tạ.
Hôm nay tôi về quê, ra vườn thấy những loại cỏ quen thuộc năm xưa vẫn lao xao trên luống rau, bờ bụi. Còn đó tất cả. Chắc có lý do nào đó mà nó tồn tại. Biết đâu đến hồi nào đó người ta lại phải lần tìm đến chúng. Giống như hôm nay người ta lần tìm chè sạch, gà quê, rau sạch, thịt lợn sạch chỉ chăn cám bã. Rồi đây những thứ tưởng mới, có khi đã có tự thuở nào ở tận nhà quê.
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.