“Cây xăng in chứng từ”: DN thực muốn giảm gian lận?

Vinh Hải Thứ ba, ngày 29/09/2015 16:00 PM (GMT+7)
Quy định cột bơm xăng phải có thiết bị in chứng từ giúp người tiêu dùng có bằng chứng khởi kiện nếu doanh nghiệp gian lận. Nhưng vấn đề đặt ra là doanh nghiệp có muốn làm giảm gian lận hay lại muốn bắt tay, thỏa hiệp với nó?
Bình luận 0

Theo Thông tư quy định về quản lý, đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu do Bộ KHCN mới ban hành, từ ngày 1.7.2018, cột đo xăng dầu phải gắn thiết bị in chứng từ để in và cung cấp chứng từ cho khách hàng.

img

Ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: “Thông tư 15 về quản lý, đo lường chất lượng kinh doanh xăng dầu có nhiều nội dung liên quan đến việc bảo quản, đo lường mặt hàng này được quy định chi tiết, cụ thể. Nhiều doanh nghiệp liên quan đến việc vận chuyển, kinh doanh xăng dầu đã phản ứng một số nội dung trong Thông tư nhưng đây là việc bắt buộc phải làm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cả nước”.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 29.9, ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) nhận định: “Đúng là có việc doanh nghiệp xăng dầu phản ứng nhưng chúng ta cần đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên”.

Ông Trần Văn Vinh cũng thẳng thắn cho rằng khi thực hiện các quy định mới về việc vận chuyển, phân phối và bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp sẽ cảm thấy khó khăn khi thực hiện. Cụ thể như việc khi doanh nghiệp bán lẻ nhập xăng dầu từ Tổng đại lý phải lấy mẫu, thực hiện kẹp chì rồi vận chuyển đến đại lý bán lẻ. Tại đây, cũng phải lấy mẫu để lưu giữ. Hai mẫu xăng dầu ở điểm cấp hàng và bán hàng nhằm phục vụ việc kiểm tra xem có sự khác biệt, thay đổi về chất lượng hay không. “Khi phát hiện sự thay đổi về chất lượng có thể quy trách nhiệm cho Tổng đại lý, bên vận chuyển hay doanh nghiệp bán lẻ” – ông Vinh phân tích.

Về quy định cột bơm xăng phải có thiết bị in chứng từ, ông Vinh giải thích: “Trong thực tế nhiều cửa hàng có thể in chứng từ nhưng họ không làm. Họ có thể nhập xăng ở nhiều nơi, thậm chí là nhập lậu rồi đem bán số lượng không biết là bao nhiêu. Bây giờ thực hiện việc in chứng từ, anh nhập vào bao nhiêu chính thống thì bán ra cũng ngần ấy. Người ta sẽ kiểm tra được, tránh việc nhập lậu xăng dầu, bán xăng dầu kém chất lượng”.

Ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng cho rằng đối với thương mại văn minh, sòng phẳng minh bạch việc bán hàng có hóa đơn là đương nhiên.

Đại diện Bộ KH&CN cho rằng mục tiêu của Thông tư 15/2015/KHCN nhằm làm giảm việc gian lận xăng dầu. Đồng thời quy định về cột bơm xăng phải có thiết bị in chứng từ sẽ được thực hiện từ 1.7.2018, đủ thời gian để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Ông Trần Văn Vinh cho hay: “Chúng tôi đã làm việc với các cơ sở cung cấp cột bơm xăng dầu, chi phí thay đổi không lớn lắm, chỉ cần kết nối với máy in. Người tiêu dùng được lợi khi có bằng chứng khởi kiện nếu doanh nghiệp gian lận. Còn đối với doanh nghiệp, điều quan trọng là họ có muốn làm giảm gian lận đi không hay là muốn bắt tay, thỏa hiệp với nó?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem