CCN giấy Phú Lâm (Bắc Ninh) liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu?

Khương Lực Thứ năm, ngày 20/05/2021 12:09 PM (GMT+7)
Trong 3 ngày qua (18-20/5), các doanh nghiệp giấy tại cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm lại ngang nhiên xả thải nước ngập đường giao thông, bất chấp sự nghiêm cấm từ chính quyền. Trong khi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu xử lý dứt điểm vấn đề này, nhưng ở bên dưới lãnh đạo huyện Tiên Du vẫn chưa có động thái xử lý quyết liệt?
Bình luận 0

Trước lệnh nghiêm cấm xả thải trái phép ra sông Ngũ Huyện Khê của UBND tỉnh Bắc Ninh, trong các ngày 18, 19/5, có mặt tại đây, PV Dân Việt ghi nhận được tình hình ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng tồi tệ hơn khi các doanh nghiệp giấy tại cụm công nghiệp (CNN) Phú Lâm đã tiếp tục ngang nhiên xả thải gây ngập đường giao thông trong CCN Phú Lâm và ảnh hưởng đến cả môi trường xung quanh của các khu dân cư.

Những đoạn bờ bằng xỉ thải và đất được đắp tạm, nổi gồ cao ngay giữa đường hay trước cửa nhà máy để ngăn chặn dòng nước đen độc hại này chảy vào gây ngập lụt. 

CLIP: Các doanh nghiệp giấy ở cụm công nghiệp giấy Phú Lâm ngang nhiên xả thải ngập đường giao thông.

Doanh nghiệp liên tục ngang nghiên xả thải ô nhiễm ra môi trường, xả cả nước thải vào... đình làng.

Nghiêm trọng hơn, như Dân việt thông tin, mới đây các doanh nghiệp giấy lại xả thải thẳng vào đình làng xóm Hạ Giang, thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm. Lãnh đạo xóm Hạ Giang đã phải thuê máy múc, đắp bờ đất để ngăn chặn nguồn nước thải độc hại đen như bùn chảy vào sân đình. 

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 2.

Nước thải tràn vào đình làng xóm Hạ Giang, thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm.

Sau khi lượng nước thải xả vào đình làng xóm Hạ Giang bị ngăn chặn, 3 ngày gần đây lại xuất hiện tình trạng nước thải ngập đường giao thông trong CCN Phú Lâm. Đây không phải là lần đầu xuất hiện tình trạng doanh nghiệp giấy ở cụm công nghiệp Phú Lâm xả thải gây ngập đường giao thông, tràn ra kênh mương thủy lợi, ao cá của dân.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, ngay từ cuối tháng 3/2021, UBND xã Phú Lâm đã thông báo và yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất giấy tại CCN Phú Lâm phải ngừng ngay việc để nước thải tràn ra đường giao thông và chảy xuống kênh tiêu.

Ông Ngô Lương Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để nước thải tràn ra đường giao thông, chảy xuống kênh mương làm ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

"Nếu doanh nghiệp nào không chấp hành mà cố tình vi phạm thì UBND xã sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Xuân khẳng định trong thông báo gửi các doanh nghiệp sản xuất giấy ở CCN Phú Lâm.

Trước đó, qua kiểm tra thực tế, UBND xã Phú Lâm đã phát hiện các công ty sản xuất giấy tại CCN Phú Lâm đã để nước chảy tràn ra đường giao thông trong CCN và chảy xuống hệ thống kênh tiêu T2 gần khu vực bể xả Trạm bơm Phú Lâm 2.

Dù đã có thông báo và những yêu cầu từ chính quyền cấp xã, nhưng các doanh nghiệp giấy ở CCN Phú Lâm vẫn ngang nhiên xả thải gây ngập đường giao thông và kênh mương thủy lợi. Ngày 8/4, nước thải độc hại đen như bùn luyn đã tràn vào ao cá nhà ông Lưu Quang Lợi, thôn Đông Phù, xã Phú Lâm khiến toàn bộ cá trong ao chết sạch.

Ông Lưu Quang Lợi cho biết, nước thải không qua xử lý từ nhà máy giấy, đặc quánh như dầu luyn chảy vào ao rộng 2.500m3 làm cá chết hàng loạt, hiện đang thối rữa đầy ao. "Bình thường ao của tôi phải có hơn 1 tấn cá, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng" - ông Lợi nói.

"Cá thối rữa hết rồi. Chẳng làm gì được nữa!" - ông Lưu Quang Lợi ở thôn Đông Phù, xã Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) than thở khi nước thải từ cụm công nghiệp Phú Lâm chảy vào ao, làm cá chết hàng loạt. 

Ngay sau khi nước thải tràn vào ao, gây chết cá hàng loạt, ông đã báo chính quyền thôn, xã biết tình hình để xuống thống kê xử lý, hỗ trợ thiệt hại. UBND huyện Tiên Du cũng đã cử công an môi trường xuống lấy mẫu, đem đi xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Thế nhưng, đã hơn một tháng trôi qua, vụ việc các doanh nghiệp giấy xả thải nước độc hại gây chết cá vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Khi ông Lợi lên gặp đại diện Công an huyện Tiên Du để hỏi thông tin xử lý, ông nhận được câu trả lời là chờ hết dịch Covid-19 sẽ xem xét, xử lý.

Đối với 7 doanh nghiệp xả thải độc hại gây ngập sân đình xóm Hạ Giang, ông Nguyễn Công Ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, ông đã chỉ đạo tổ công tác đi kiểm tra 7 công ty vừa rồi người dân phản ánh xả nước thải đen độc hại ra sân đình, chảy vào ruộng lúa trong thời hạn 3 ngày làm việc.

Mình đang làm hồ sơ chưa xong. Bây giờ phải rà, duyệt lại từng mục một, rồi xin ý kiến của các ngành kết luận xem người ta vi phạm đến mức nào; thẩm quyền của dưới này có những nội dung phải xin ý kiến cấp trên.

Ông Nguyễn Công Ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

"Mình đang làm hồ sơ chưa xong. Bây giờ phải rà, duyệt lại từng mục một, rồi xin ý kiến của các ngành kết luận xem người ta vi phạm đến mức nào; thẩm quyền của dưới này có những nội dung phải xin ý kiến cấp trên" - ông Ký cập nhật thông tin với Dân việt về tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm.

Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo huyện Tiên Du khẳng định, quan điểm của lãnh đạo huyện Tiên Du không bao giờ đánh đổi, doanh nghiệp vi phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó. Bởi, doanh nghiệp sản xuất giấy hiện đang thiếu ý thức, chỉ nghĩ tới lợi nhuận của chính doanh nghiệp mà chưa quan tâm đến vấn đề đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Đối với những doanh nghiệp sản xuất giấy có hành vi xả thải vào đình làng, ông đề xuất sẽ xử phạt tiền ở mức thấp nhất là 300 triệu đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ sản xuất. "Nếu không xử lý nước thải thì sẽ dừng hoạt động hết" - lãnh đạo huyện Tiên Du khẳng định.

Vai trò, trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu?

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Ngũ Huyện Khê được Bộ NNPTNT xác định "thủ phạm" chính là do tình trạng xả thải thẳng nước sản xuất giấy không qua xử lý từ phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh) và CCN giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du).

CCN giấy Phú Lâm (Bắc Ninh) liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 5.

Người dân ở Phú Lâm liên tục chịu cảnh ô nhiễm như thế này, nhưng không thấy Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du có động thái quyết liệt nhằm chặn đứng tình trạng ô nhiễm này.,

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản nghiêm cấm việc xả thải này, đồng thời tiến hàng cắt, chặn các ống được đấu nối để xả thải trái phép ra sông Ngũ Huyện Khê. Ngày 28/4, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu xử lý dứt điểm, triệt để tình trạng ô nhiễm tại đây.

CCN giấy Phú Lâm (Bắc Ninh) liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 6.

Trong khi lãnh đạo thành phố Bắc Ninh là ông Tạ Đăng Đoan- Bí thư Thành ủy đã liên tục xuống đốc thúc việc xử lý ô nhiễm môi trường ở Phong Khê....

Sau động thái đó, bên phía thành phố Bắc Ninh, cả Bí thư, Chủ tịch thành phố đã vào cuộc quyết liệt, làm cả ngày nghỉ (dịp 30/4, 1/5) khi tiến hành kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt và đình chỉ 6 cơ sở sản xuất giấy đầu tiên có vi phạm về môi trường. Mới đây nhất, phường Phong Khê cũng tiến hành cưỡng chế, trám lấp 59 giếng khoan trái phép của các cơ sở sản xuất giấy để "chặt đứt" nguồn sản xuất gây ô nhiễm.

CCN giấy Phú Lâm (Bắc Ninh) liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 7.

.... thì ông Nguyễn Đại Đồng - Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vẫn "bình chân" và "so sánh" mức độ ô nhiễm ở CCN Phú Lâm không... bằng Phong Khê

Còn tại CCN giấy Phú Lâm thì sao? Đã hơn 2 tháng nay, kể từ khi báo chí phản ánh và UBND tỉnh có yêu cầu xử lý, tình hình ô nhiễm ở đây ngày càng tồi tệ thêm. Đặc biệt, trong suốt thời gian đó, không thấy bóng dáng của Bí thư Huyện ủy là ông Nguyễn Tiến Tài và Chủ tịch UBND huyện Tiên Du là ông Nguyễn Đại Đồng ở đâu, khi cả 2 vị đứng đầu huyện đều chưa có những động thái để xử lý mặc dù CCN giấy này chỉ nằm cách trung tâm huyện chưa đầy.... 3km?

Theo quy định, để xử phạt đối với các doanh nghiệp có vi phạm về ô nhiễm môi trường, trách nhiệm trước tiên thuộc về cấp huyện. Theo đó, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm (nếu có), rồi đề xuất lên UBND tỉnh để ban hành quyết định xử phạt. Nhưng khác với thành phố Bắc Ninh, đến nay, UBND huyện Tiên Du vẫn chưa có đề xuất xử phạt vi phạm về môi trường đối với doanh nghiệp nào, mặc dù mức độ ô nhiễm ngày càng nặng hơn.

Đem vấn đề này trao đổi với một lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, vị lãnh đạo này cho biết, đã trực tiếp yêu cẩu Chủ tịch UBND huyện Tiên Du phải xử lý ngay giống như cách bên thành phố Bắc Ninh đang xử lý tại Phong Khê, chứ không phải cái gì cũng đợi tỉnh và có cho biết đã yêu cầu Chủ tịch huyện gặp gỡ PV để trao đổi. 

Trao đổi nhanh trước đó, ông Nguyễn Đại Đồng nói vướng về... cơ chế và còn "so sánh" tình trạng ô nhiễm ở Phú Lâm không bằng bên... Phong Khê.

Theo ông Đồng, nguồn gây ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê có các nhà máy sản xuất giấy ở phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du).

Bắc Ninh: Tháo bỏ đường ống xả thải trái phép, cắt nguồn nước mặt, lượng nước thải cụm công nghiệp Phú Lâm giảm 30% - Ảnh 2.

Và đây là thực tế ở CCN Phú Lâm, nơi chỉ cách trụ sở UBND huyện có 3km: Nước thải không qua xử lý chảy ra gây ngập ngụa đường giao thông trong cụm công nghiệp Phú Lâm. Ảnh: Khương Lực.

Ông Đồng cho biết: "Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phú Lâm chủ yếu sản xuất các loại giấy đen làm bao bì nên không sử dụng nhiều hóa chất như ở làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp Phong Khê I và II - nơi sản xuất giấy vệ sinh, giấy trắng. "Nếu so sánh về nguồn thải ô nhiễm ở Phong Khê với Phú Lâm , thì Phong Khê sẽ nặng hơn rất nhiều" - ông Đồng khẳng định.

Dù vậy, ông Đồng thừa nhận CCN Phú Lâm cũng đóng góp một lượng nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Với quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các sở ban ngành liên quan, UBND huyện Tiên Du đã thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê.

Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tiên Du đã tháo dỡ toàn bộ các đường ống của các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài cụm công nghiệp Phú Lâm có hành vi xả thải ra hệ thống thủy nông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, kiểm tra phát hiện 9 doanh nghiệp với 12 hệ thống máy bơm và đường ống khai thác nước mặt trên sông Ngũ Huyện Khê và công trình thủy lợi không có giấy phép khai thác và tổ chức tháo dỡ 12 hệ thống máy bơm và đường ống của các doanh nghiệp và 2 ống bơm xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê.

Nhờ đó, đã giảm 30% tổng lượng nước thải của toàn cụm công nghiệp Phú Lâm ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh và có hành vi xả thải gây ra tình trạng ngập úng trong và ngoài cụm công nghiệp Phú Lâm, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Cụm công nghiệp Phú Lâm nằm cách trung tâm huyện Tiên Du (Bắc Ninh) khoảng chừng hơn 3km. Khoảng 20 năm trước, nơi đây chỉ là làng nghề tự phát. Sau đó, tỉnh Bắc Ninh và huyện Tiên Du đã quy hoạch thành cụm công nghiệp Phú Lâm với khoảng gần 30 doanh nghiệp sản xuất giấy thành phẩm các loại.

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 5.

Trước lệnh nghiêm cấm xả thải trái phép ra sông Ngũ Huyện Khê, các doanh nghiệp giấy tại cụm công nghiệp (CNN) Phú Lâm tiếp tục ngang nhiên xả thải gây ngập đường giao thông trong CCN Phú Lâm.

Càng xử lý, càng nhờn luật

Trong kết luận thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du (ký ngày 25/6/2018), UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, CCN Phú Lâm được hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc đổi mới, xuất phát từ chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. 

CCN Phú Lâm đã góp phần giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động. Tuy nhiên, do CCN được hình thành tự phát, không có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng nên việc xây dựng hạ tầng, duy tu bảo dưỡng ít được coi trọng và thực hiện một cách đồng bộ.

Điều này dẫn đến hạ tầng CCN xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại, CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số hộ tự lấn chiếm đất đai, mở rộng sản xuất, sử dụng đất ngoài quy hoạch CCN.

Trao đổi với Dân việt, ông Ngô Lương Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm cho biết, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Phú Lâm đã tạo công ăn việc làm cho gần 4.000 lao động (2.000 lao động là người địa phương và 2.000 lao động từ các địa phương khác) với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Theo ông Xuân, mỗi ngày một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm trung bình sản xuất ra chừng 50-70 tấn giấy hàng hóa. Các doanh nghiệp đóng thuế cho ngân sách Nhà nước khoảng 6-7 tỷ đồng. Thế nhưng, trái ngược với những đóng góp về kinh tế, môi trường nơi đây đã bị hủy hoại và đánh đổi một cách không thương tiếc.

"Có 27/30 cơ sở sản xuất có hành vi xả thải vượt quy chuẩn cho phép, vi phạm Điều  13 Nghị định số 155/2012/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ" - UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ trong kết luận thanh tra số 2234/KL-UBND ngày 25/6/2018.

Đáng chú ý, theo số liệu cập nhật của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 5,2 tỷ đồng.

Nếu như ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi bắt buộc các doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất chứ không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh)

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh ban hành 10 quyết định xử phạt số tiền 235.300.000 đồng, đến nay 10/10 tổ chức, cá nhân đã thực hiện nộp xong. 

UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành 18 quyết định xử phạt số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đến nay có 16/18 tổ chức  đã thực hiện nộp phạt (đạt 89%) số tiền: 3.987.000.000 đồng; còn lại 1.041.000.000đ của 2 tổ chức chưa thực hiện và 3 tổ chức đã thực hiện nộp một phần.

Hiện các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh giấy ở cụm công nghiệp Phú Lâm đang cam kết với Chủ tịch UBND huyện Tiên Du tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, tuần hoàn nước thải trong sản xuất để hạn chế tối đa lượng nước thải phát sinh thải ra môi trường trong thời gian sớm nhất (khoảng 3 tháng).

Là một doanh nghiệp lớn, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, ông Lương Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang cho biết, chi phí đầu tư một dây chuyền xử lý nước thải rất lớn, từ 20-30 tỷ đồng.

"Các doanh nghiệp bây giờ bỏ ra 20-30 tỷ đồng, bằng cả một dây chuyền, không đời nào người ta cố gắng đầu tư" - ông Toản nói và cho biết chi phí điện, nhân công, hóa chất để xử lý 1 tấn giấy vào khoảng 800.000 đồng nữa.

Chính vì thế, để tạo sự công bằng và tránh bất công, ông Toản đề xuất khi doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì phải lắp đặt hệ thống giám sát online gửi toàn bộ quy trình vận hành về Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính minh bạch trong vận hành.

Dân Việt ghi lại một số hình ảnh xả thải độc hại ngang nhiên của các doanh nghiệp giấy ở CCN Phú Lâm và những ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân:

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 7.

Một doanh nghiệp rao bán nhà xưởng trong CCN Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 9.

Trong 3 ngày qua, các doanh nghiệp giấy tại cụm công nghiệp Phú Lâm lại ngang nhiên xả thải nước ngập đường giao thông, bất chấp sự nghiêm cấm từ các cấp chính quyền.

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 10.

Trực tiếp đi vào cụm công nghiệp Phú Lâm, phóng viên DANVIET. VN đã chứng kiến cảnh tượng con đường ngập ngụa đầy nước thải như bùn đen, nồng nặc mùi hôi thối chảy ra từ các nhà máy sản xuất giấy. Nguồn nước này được các bộ ngành chức năng xác định là một trong những thủ phạm chính gây bức tử dòng sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: Khương Lực

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 11.

Hàng cây chết khô trên bờ, dưới ao chứa nước thải chưa qua xử lý từ cụm công nghiệp Phú Lâm, váng nổi dầy đặc, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Khương Lực.

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 12.

Hệ thống kênh mương thủy lợi có nước màu đen sì, nồng nặc mùi hôi thối và nổi váng. Theo phản ánh của người dân, trên mương không có con cá nào sống nổi, sống dai như đỉa cũng không thấy bóng dáng. Người dân trong xã Phú Lâm cũng không dám ăn rau muống trồng tại ruộng hay gần khu kênh mương. Ảnh: Khương Lực.


CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 13.

Ông Lưu Quang Lợi, thôn Đông Phù, xã Phú Lâm cho biết, nước thải không qua xử lý từ nhà máy giấy, đặc quánh như dầu luyn chảy vào ao rộng 2.500m3 làm cá chết hàng loạt, hiện đang thối rữa đầy ao. Bình thường ao của tôi phải có hơn 1 tấn cá, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 14.

Hiện ông Lợi đã phải thuê máy múc đắp lại bờ ao tôn cao để tránh nước thải từ các doanh nghiệp giấy rò rỉ vào với chi phí hết 17 triệu đồng

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 15.

Và trải ni lông ở khu ruộng chứa nước thải, nhưng nước thải độc hại từ các nhà máy giấy vẫn rò rỉ vào.

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 16.

CCN Phú Lâm liên tục xả thải ngập đường: Bí thư, Chủ tịch huyện Tiên Du ở đâu? - Ảnh 17.

Cứ 2 đến 3 ngày, ông Lợi lại phải bơm nước thải rỏ rỉ vào để bờ ao mới đắp cứng lại, không bị thấm nước thải độc hại vào ao nuôi cá.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem