Cha mẹ dùng điện thoại khi ăn ít gắn bó với con

Thứ năm, ngày 13/03/2014 09:19 AM (GMT+7)
Những bậc cha mẹ bị hút vào việc sử dụng điện thoại thường có những tương tác kém tích cực và ít gắn bó hơn với con cái của họ...
Bình luận 0
Các nhà nghiên cứu quan sát thấy khi cha mẹ gần như là luôn nhìn vào màn hình điện thoại, trẻ con có xu hướng phản ứng lại điều đó, mặc dù một số trẻ tỏ ra chấp nhận việc thiếu hụt sự quan tâm và đối thoại, và tìm cách tự giải trí.

"Những bậc cha mẹ bị hút vào việc sử dụng điện thoại thường có những tương tác kém tích cực và ít gắn bó hơn với con cái của họ," theo tác giả chính của nghiên cứu, tiến sỹ Jenny Radesky, chuyên gia phát triển hành vi trẻ em tại Trung tâm Y tế Boston.

img
Một bà mẹ chăm chú điện thoại và máy tính nhiều hơn khi con đang ăn. (Ảnh minh họa: livescience)

Đây là nghiên cứu đầu tiên về việc cha mẹ đang dùng điện thoại di động quanh con cái như thế nào và phản ứng của những đứa trẻ với việc này. Các nhà nghiên cứu muốn miêu tả cách thức dùng điện thoại di động phổ biến nhất của các bậc cha mẹ như là bước đầu tiên để khám phá hành vi này tác động tới tương tác cha mẹ-con cái và sự phát triển của trẻ em như thế nào.

Sử dụng phương pháp quan sát hành vi của con người trong đời sống thực, các nhà nghiên cứu đã ghi lại 55 trường hợp quan sát cụ thể về cha mẹ và những đứa con khoảng 10 tuổi của họ tại một tiệm ăn nhanh ở Boston. Không ai trong số cha mẹ và trẻ em này biết họ đang bị quan sát bởi một người có chuyên môn ngồi ở một bàn ăn gần họ.

"Điều này cho phép chúng tôi ghi lại chính xác mọi thứ diễn ra trong một bữa ăn gia đình - cả những điều tích cực và không tích cực," Radesky cho biết.

Những quan sát này cho thấy 73% các ông bố bà mẹ sử dụng một thiết bị di động trong bữa ăn. Nhưng mức độ sử dụng của họ lại khác nhau và có 5 cách thức sử dụng chủ yếu được tìm ra qua nghiên cứu này, bao gồm: những người không bao giờ lấy điện thoại ra dùng, những người đặt điện thoại trên bàn nhưng không dùng đến, những người chỉ dùng một lát, những người dùng liên tục vào cuối bữa ăn, và những người dùng liên tục trong suốt bữa ăn.

Các quan sát cũng cho thấy trẻ em luôn rất tò mò với những gì cha mẹ chúng đang làm trên điện thoại.

Những ông bố bà mẹ nhắn tin hay kéo lướt màn hình điện thoại nhiều nhất trong bữa ăn rất hiếm khi để mắt tới con cái họ hoặc nói chuyện với chúng. Những người khác chỉ nói chuyện trên điện thoại thường dễ làm điều này hơn.

Khoảng 15% cha mẹ lấy điện thoại ra dùng vào cuối bữa ăn khi lũ trẻ vẫn đang ăn và sử dụng liên tục từ lúc đó thường là vì họ cảm thấy buồn chán.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có thể có những cách sử dụng điện thoại phù hợp hơn như ít dùng hoặc cùng con cái xem hình ảnh hay video trên điện thoại, giúp tăng cường tương tác cha mẹ-con cái. Tuy nhiên những lo ngại về việc cha mẹ thường xuyên dùng điện thoại có thể khiến tương tác với con cái kém tích cực và kém nhạy cảm hơn là có cơ sở.

Theo tiến sỹ Radesky, để tăng cường tương tác tích cực giữa các thành viên trong gia đình, có thể áp dụng một số gợi ý sau: - Dành thời gian nói chuyện hay chơi với con cái mỗi ngày. - Luôn có mặt bên cạnh và giúp con cái xử lý các vấn đề hay đối mặt với những cảm xúc mạnh. - Tắt tivi, để điện thoại di động ra chỗ khác và không nghĩ đến danh sách những việc cần làm khi đang nói chuyện hay lắng nghe con cái. - Coi các bữa ăn là một cơ hội để củng cố mối quan hệ với con cái.

Vietnam+ (Theo Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem