Chúng tôi tìm đến quầy sửa hộp quẹt P.Sáng vào một buổi sáng đầu tuần nhộn nhịp người và xe qua lại. Quầy sửa nằm trên vỉa hè đường Ngô Đức Kế, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, đã nhiều năm không thay đổi, vẫn có 1 chiếc tủ gỗ đựng đồ sửa chữa và một tủ kính trưng bày những chiếc hộp quẹt.
Chăm chú ngắm những chiếc hộp quẹt Dupont đang sửa chữa, tôi có cảm giác như mình được sống giữa một Sài Gòn thật xưa, nơi mà dân chơi thứ thiệt ăn mặc đồ bụi bặm, chạy xe cũ kỹ nhưng những phụ kiện họ mang theo có khi đáng giá hơn cả một chiếc xe hơi. Một trong những món phụ kiện đẳng cấp đó là chiếc hộp quẹt Dupont đang trên tay người thợ sửa.
Nhất nghệ tinh
Chúng tôi có vinh hạnh được gặp ông Phạm Văn Sáng - người được mệnh danh là “Vua Dupont Sài Gòn” xưa, khi ông đang ngồi uống cà phê dưới một gốc cây gần quầy sửa hộp quẹt phát sáng. Ông chăm chú nhìn con trai mình cặm cụi, cần mẫn sửa từng chi tiết nhỏ trong chiếc hộp quẹt - như nhìn thấy hình ảnh tuổi trẻ của mình cách đây hàng chục năm.
Ông nói: “Tôi già rồi, mắt không còn đủ tinh để sửa hộp quẹt nữa. Sáng sáng tôi ra đây để chỉ dẫn cho con trai tôi sửa chữa. Ở nhà một mình buồn lắm! Nhớ nghề lắm!”.
Anh Thần Long và quầy sửa hộp quẹt, đồng hồ, máy ảnh trên phố Ngô Đức Kế, TP.HCM. Ảnh: Nhung Nguyễn
Người ta biết đến Phạm Văn Sáng với máu nghệ sĩ. Ông làm thơ, rong chơi, giao du với đám bạn công tử. Một lần, ông được người bạn cho một chiếc hộp quẹt Drago (tiền thân của hộp quẹt Dupont) đã hư hỏng, không còn giá trị sử dụng, ông đã nghiên cứu, sửa chữa và nắm được nguyên lý hoạt động của loại bật lửa này.
Ông mở quầy P.Sáng chuyên sửa chữa hộp quẹt Dupont tại vỉa hè số 88 đường Nguyễn Thiệp (nay là đường Ngô Đức Kế). Ông nói: "Cuộc đời tôi vinh sang nhờ biết sửa chữa loại hộp quẹt vinh sang nhất trong thế giới hộp quẹt".
"Cuộc đời tôi vinh sang nhờ biết sửa chữa loại hộp quẹt vinh sang nhất trong thế giới hộp quẹt”.
Ông Phạm Văn Sáng
|
Thời ấy, hộp quẹt Dupont đáng giá cả cây vàng lại là món đồ được tầng lớp quý tộc, thượng lưu rất ưa chuộng, nhưng Dupont không có cửa hàng kinh doanh, sửa chữa tại Việt Nam, muốn mua, dân chơi phải sang tận Pháp. Tự mày mò tìm hiểu và sửa chữa thành công, Phạm Văn Sáng dường như là người duy nhất tại Việt Nam bán và sửa chữa món đồ quý tộc này. Nhiều người giàu có và quyền thế tìm đến ông...
Tinh thông nghề sửa hộp quẹt Dupont, ông Sáng giàu có, yên ổn và có mối quan hệ rộng rãi với tầng lớp quý tộc, thượng lưu trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Người truyền lửa Dupont
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Sáng năm nay cũng đã ngoài 80. Tai nạn, tuổi tác, bệnh tật khiến ông không còn đủ sức khỏe và sự minh mẫn để ngồi sửa hộp quẹt nữa. Quầy sửa hộp quẹt Dupont P.Sáng được giao truyền cho người con trai cả của ông là Phạm Hoàng Long.
Khi anh Hoàng Long sang Mỹ định cư, quầy sửa hộp quẹt được người con trai thứ 2 là Phạm Thần Long tiếp quản và sửa chữa hơn 3 năm nay. Anh Thần Long cho biết: “Hồi nhỏ, hai anh em chúng tôi hay chạy ra vỉa hè này chơi với bố, nhìn bố sửa chữa, dần dần chúng tôi học được nghề này lúc nào không hay”.
Bật lửa Dupont trứ danh được bày bán tại quầy sửa hộp quẹt P.Sáng. Ảnh: N.N
Anh Thần Long cũng đã gần 50 tuổi và có hai cô con gái, khi hỏi anh về người kế thừa nghề sửa hộp quẹt Dupont của gia đình, anh cười: “Tôi truyền lại nghề này cho cháu trai. Tôi cũng có đệ tử nữa, là người ngoài Bắc, cậu ấy thích nghề này do tìm hiểu trên Internet, muốn học nên đã lặn lội từ miền Bắc vào đây”.
Ngoài sửa hộp quẹt, anh Thần Long còn sửa cả bút máy, đồng hồ, máy ảnh cũ do đây là nghề của anh trước kia. Nói về nghề, anh chia sẻ: “Tôi đã gần 50 tuổi rồi, còn làm nghề gì được nữa, tôi sẽ gắn bó thời gian còn lại của cuộc đời mình với nghề này. Tôi có duyên nợ với Dupont rồi”.
Đất nước đã nhiều năm đổi mới, nhiều giá trị của quá khứ bị lãng quên hoặc xóa bỏ nhưng quầy sửa những chiếc hộp quẹt quý tộc P.Sáng vẫn tồn tại bên vỉa hè giữa lòng Sài Gòn sầm uất như một nét văn hóa xưa còn vương vấn mãi.
Ngày nay, hộp quẹt nhựa tiện dụng chỉ có giá từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc, những người sử dụng đôi khi không hiểu tại sao vẫn có người bán và sửa những hộp quẹt xưa cũ, đắt đỏ. Anh Thần Long đều đặn mở quầy sửa lúc 8 giờ 30 sáng và đóng quầy lúc 5 giờ chiều mỗi ngày. Đôi bàn tay người thợ lành nghề thận trọng sắp xếp từng chi tiết vừa được tháo rời, vừa tỉ mỉ mài chiếc ron nhỏ xíu lắp vào chiếc hộp quẹt màu vàng hình chữ nhật.
Mỗi chiếc hộp quẹt đều mang trong mình một câu chuyện của lịch sử. Anh nói chiếc hộp quẹt loại mới này có giá 400.000 đồng, còn những chiếc hộp quẹt trong tủ kính đằng kia, chiếc bình thường thì 5 triệu đồng, chiếc ở giữa tủ kính đặt trong chiếc hộp lớn có giá lên tới 38 triệu đồng. Thật là thú chơi chỉ dành cho những người giàu có!
Nói về những thay đổi của thời thế, anh Long tần ngần kể lại, ngày xưa hộp quẹt Dupont khan hiếm, muốn có 1 chiếc phải ra nước ngoài mua về, nay ồ ạt tuồn vào Việt Nam. Kiểu loại đa dạng, giá thành hạ, mấy trăm ngàn đã có thể sở hữu một chiếc. Chẳng cần phải là người thượng lưu quý tộc, ai có tiền, ai muốn xài đều dễ dàng mua được.
Phạm Văn Sáng, Phạm Hoàng Long, Phạm Thần Long – hai thế hệ trong một gia đình đã cùng nhau gìn giữ nghề sửa hộp quẹt Dupont độc nhất tại Sài Gòn trong suốt 50 năm qua. Nửa thập kỷ “giữ lửa” Dupont, họ đã chứng kiến bao lần đổi thay của đất nước, con người. Đến nay, hộp quẹt Dupont vẫn là một phần ký ức, kỷ niệm, một kỷ vật vô giá về một thời quý tộc vàng son đã trôi qua trong tâm trí người Sài Gòn ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.