Làng trường thọ ở miền Tây

Mai Anh - Chúc Ly Thứ hai, ngày 11/11/2019 06:15 AM (GMT+7)
Những bô lão 90 tuổi, hay 100 tuổi, ở vùng này chẳng hiếm gặp, bởi toàn xã dân số chỉ có 7.000 hộ nhưng đã có hơn 1.000 cụ trong độ tuổi từ 70 đến 100. Hầu hết các cụ vẫn minh mẫn, sống khỏe và yêu đời cùng con cháu. Đó chính là lý do Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được gọi là làng trường thọ ở miền Tây.
Bình luận 0

Nơi cụ ông, cụ bà “thượng thọ”

Nằm ven dòng sông Hậu hiền hòa, chỉ cần qua phà Sơn Đốt là đã đến được xã Nhơn Mỹ. Vốn là xã ven sông, thuộc Cù lao Ông Chưởng, Nhơn Mỹ có nền kinh tế khá phát triển. Đặc biệt, nơi đây còn được mệnh danh là làng trường thọ ở miền Tây.

img

  Dù lớn tuổi nhưng nhiều cụ ở làng trường thọ vẫn còn minh mẫn, sống vui, khỏe cùng con cháu.  Ảnh: Mai Anh

Theo ông Nguyễn Văn Thứng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Mỹ, toàn xã có 1.785 cụ ông, cụ bà từ 60 tuổi trở lên. Riêng vùng đất Nhơn An có rất nhiều cụ đại thọ, với 83 cụ trên 80 tuổi. Những cụ vừa qua đời có 3 cụ bà trên 100 tuổi, trong đó có một cụ 112 tuổi.

Dạo quanh một vòng nơi đây, quả thật không khó để bắt gặp cảnh những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc phơ, nhưng rất nhanh nhẹn. Hỏi ra mới biết, tất các cụ đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm gặp, người lớn nhất cũng ngót gần 100 tuổi.

Những cái bắt tay, những lời chào hỏi thân tình vốn dĩ rất bình thường, nhưng với các ông, các bà ở đây lại vô cùng ý nghĩa. Ở đây người trẻ nhất cũng ngoài 80 tuổi, còn những cụ bách niên cũng đã ở tuổi 97, 98, dù vậy ai cũng khỏe mạnh và minh mẫn. Thay vì để con cháu đưa đón, các cụ tự tìm cho mình thú vui an nhàn là cùng nhau tản bộ và trò chuyện. Có người thì tự đi bộ, người khỏe hơn thì tự chạy xe máy rồi đèo thêm người bạn già.

Bà Nguyễn Thị Nỉ (ngụ ấp Nhơn An, Xã Nhơn Mỹ, sinh năm 1927, tức nay đã 92 tuổi) cho biết: “Hồi trẻ tôi làm thợ may, lớn lên có chồng thì làm ruộng, làm ruộng làm đồng lớn chứ không làm đồng nhỏ, làm cực khổ suốt mấy chục năm. Giờ già sức khỏe không còn rắn rỏi như thời 30 - 40 tuổi nên giao lại cho con cháu. Hàng ngày, tôi vẫn làm những công việc lặt vặt trong nhà từ nấu cơm, quét nhà, dọn dẹp cho đến phơi củi…

Theo bà Nỉ, dù có con cháu phụ giúp, nhưng bà vẫn muốn mình tự đảm đương. Bà làm việc cho tay, chân được vận động, như cách tập thể dục, chứ chẳng nặng nhọc.

Tiếp lời, cụ Lê Văn Thế (cùng ngụ ấp Nhơn An) kể: “Hồi trước còn trẻ tôi chuyên làm rẫy, mình tôi làm 10 công rẫy nuôi 10 đứa con vẫn khỏe ru. Giờ già cả rồi, tay chân hơi lụm cụm, nhưng quen cái tay rồi, ngồi không thì nó bứt rứt lắm, không có yên cái bụng”.

Theo các cụ ở đây, lúc còn trẻ hầu hết đều có cuộc sống rất khó khăn, đa phần đều làm nông. Giờ đây, dù đã lớn tuổi, nhưng chẳng một ai trong số các cụ đeo kính và vẫn nhìn thấy rất rõ. Chỉ có vài người bị lãng tai, nhưng sức khỏe ai cũng tốt, cũng chẳng mắc phải những căn bệnh vặt.

img

 Ông Văng Minh Phú, dù đã 88 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn và có thú chơi tao nhã là chơi kiểng, chơi chim. Ảnh: Mai Anh

Như đối với cụ ông Văng Minh Phú, dù đã 88 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn, có thể chăm vườn, nuôi cá và có thú chơi tao nhã là chơi kiểng, chơi chim. Có lẽ do cụ vẫn giữ thói quen ăn uống điều độ, chịu khó vận động mỗi ngày để giữ gìn sức khỏe, nên trông vẫn còn khá trẻ.

Cầm trên tay giấy chứng minh nhân dân, cụ Phú tươi cười nói: “Tính đến nay cũng được 88 cái xuân xanh rồi, nhưng nhờ trời thương nên vẫn còn mạnh khỏe, vui vầy với con cháu. Lắm lúc ngồi không cũng buồn, mà làm nặng con cháu nó lại lo, nên giờ chỉ quanh quẩn trong nhà với ra vườn chút đỉnh, coi như tìm niềm vui lúc tuổi xế chiều”.

Theo ông Nguyễn Văn Thứng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Mỹ, toàn xã có 1.785 cụ ông, cụ bà từ 60 tuổi trở lên. Riêng vùng đất Nhơn An có rất nhiều cụ đại thọ, với 83 cụ trên 80 tuổi. Những cụ vừa qua đời có 3 cụ bà trên 100 tuổi, trong đó có một cụ 112 tuổi.

Bí quyết “trường thọ”

Nói về bí quyết để “trường thọ”, nhiều cụ chỉ cười trừ. Bởi với các cụ, chẳng có gì đặc biệt để gọi là bí quyết; có cụ nói vui rằng, chính nhờ cuộc sống, bầu không khí trong lành đã giúp cho mình trường thọ.

Cụ Lê Văn Thế vui vẻ nói: “Thiệt ra, cũng không có bí quyết gì, cái đó do trời phật định. Bản thân tôi cũng ăn uống bình thường, ngày cũng hai ba bữa cơm, nhưng có cái chỉ ăn tương (ăn chay), cũng mấy chục năm rồi. Có lẽ, khí hậu ở đây mát mẻ, nên cuộc sống của bà con cũng thoải mái, từ đó mà sống lâu cũng không chừng”.

Cụ Nguyễn Thị Tiêu thì cho rằng: “Theo tôi có lẽ do hồi trẻ cực quá, nên sớm phải bươn trải lo cuộc sống, cực khổ riết quen nên bệnh tật nó cũng tránh xa mình, nên giờ mới được sống tới 92 tuổi”.

Còn với những thế hệ sau trong vùng này, mọi người luôn cảm thấy tự hào và hãnh diện vì ông, bà mình vẫn luôn mạnh khỏe và minh mẫn. Họ lấy đó làm tấm gương để phấn đấu và noi theo.

Ông Trần Văn Dũng - Phó Trưởng ấp Nhơn An, tự hào chia sẻ: “Đối với địa phương có được nhiều cụ sống lâu, khỏe mạnh thì rất là vinh dự. Các cụ người cao tuổi đã sống và lao động hết mình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, là những tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Chúng tôi sẽ thực hiện tốt nhất các quy định cũng như chế độ dành cho các cụ, để các bậc đại lão niên sống vui, khỏe, sống có ích và hiến kế nhiều hơn cho đội ngũ kế tiếp”.

Cũng theo ông Dũng, nhiều năm trước, do lớp thanh niên tại địa phương đi làm công nhân ở xa, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng. Vì vậy, số lượng lao động ở ngưỡng 70 đến 80 tuổi vẫn còn nhiều ở ấp. Những năm trở lại đây, do số lượng thanh niên trở về quê nhiều nên lớp người cao tuổi không còn tham gia những việc làm nặng nhọc nữa, thay vào đó là tham gia làm từ thiện.

Một số cụ đã thành lập nhóm bốc thuốc từ thiện vào năm 2015, nhóm trưởng là cụ Lâm Minh Phú, cùng 10 thành viên có tuổi đời trên 80 tuổi tham gia.

Hàng ngày các cụ đều đặn đến nhà cụ Phú để tham gia từng công đoạn, nhóm thì đi chặt cây thuốc, nhóm đem phơi, bào chế, cho vào túi... Đa phần các cụ ông phụ trách khâu tìm dược liệu và chặt cây thuốc, còn các cụ bà thì sơ chế đem phơi.

Dù chưa có một nghiên cứu chính thức nào về tuổi thọ của các cụ ở đây, nhưng điểm chung dễ nhận thấy nhất là các cụ đều có quá trình lao động liên tục, hăng hái làm việc, sống vui vẻ, ít uống rượu, hút thuốc. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, đặc điểm địa phương là môi trường nhiều cây xanh, các cụ có lối sinh hoạt lành mạnh, đầu óc thảnh thơi... Chính những điều đó là “liều thuốc” giúp các cụ sống thượng thọ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem