Nụ cười người Đan Lai nơi thượng nguồn sông Giăng

Cảnh Thắng Thứ bảy, ngày 17/08/2019 06:00 AM (GMT+7)
Sau 13 năm di chuyển đến khu tái định cư Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) bà con người Đan Lai đã có cuộc sống mới hằng ao ước. Những ngôi nhà khang trang nép mình bên sườn núi, những cánh đồng lúa nước được bà con tự tay cấy cày. Cuộc sống yên bình nơi đây đã làm cho tư duy của tộc người nơi thượng nguồn sông Giăng đổi thay từng ngày.
Bình luận 0

Bản mới, cuộc sống mới...

Bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) là một trong những bản tái định cư đầu tiên của "Đề án bảo tồn tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát” của Chính phủ.

Vào năm 2006 sau thời gian dài vận động có 42 hộ, 194 khẩu thuộc tộc người Đan Lai ở Khe Khặng, thượng nguồn sông Giăng, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chuyển đến nơi ở mới tại khu tái định cư bản Thạch Sơn. Đến thời điểm này, cả bản đã tăng lên 52 hộ 259 khẩu.

img

  Những công nhân đang làm giếng nước sạch cho 21/35 hộ dân người Đan Lai từ thượng nguồn sông Giăng ra nơi ở mới ở bản Bá Hạ - Kẻ Tắt. (Ảnh: Cảnh Thắng)

Để giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất và gắn bó với nơi ở mới, UBND huyện Con Cuông đã khẩn trương các thủ tục giao đủ đất cho các gia đình và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đồng thời, huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ theo đúng quy hoạch được duyệt, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân với các công trình thiết yếu như điện, đường, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, sân thể thao, công trình cấp nước sinh hoạt...

Đến nay, hầu hết các hộ tái định cư ở bản đều có nhà ở khang trang; môi trường sống được cải thiện. Bên cạnh đó, các hộ dân tái định cư còn được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động... 

Dự án tái định cư 35 hộ dân thuộc tộc người Đan Lai được thực hiện theo Quyết định 280/2006/QĐ-TTg ngày 16/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông”. Mục tiêu của đề án là nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế – xã hội nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tộc người này, đồng thời đảm bảo khu vực an ninh biên giới, bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát.

Nhiều gia đình đã đầu tư hợp lý, đúng mục đích và hiệu quả nguồn tiền được hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Điển hình là gia đình ông La Quang Vinh – Trưởng bản Thạch Sơn xã Thạch Ngàn, sau  13 năm di chuyển từ bản Cò Phạt, xã Môn Sơn về đây đã có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông La Quang Vinh- Trưởng bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) hồ hởi: “Ngày trước ở Khe Khặng, bản Cò Phạt nơi thượng nguồn sông Giăng, hàng ngày những người đàn ông lên rừng săn bắn, phụ nữ xuống khe suối mò ốc bắt cá để kiếm sống qua ngày. Tại bản cũ, đường sá đi lại cũng khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Nay cuộc sống đổi thay nhiều. Bản mới có nhà cửa, đất lâm nghiệp, có ruộng nương nên bà con ai cũng phấn khởi. Bọn trẻ đi học gần hơn; nông sản làm ra  thương lái vào tận bản thu mua, có điện, có tivi để xem cũng thấy sướng lắm rồi...”.

“So với trước đây, cuộc sống của bà con người Đan Lai chuyển ra nơi ở mới có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, những bản khác trong xã thì vẫn còn khó khăn. Tuy vậy chúng tôi rất vui khi cả bản đoàn kết, cùng nhau làm giàu trên mảnh đất mới. Ngày xưa, vào đây chưa biết trồng lúa nước, chưa biết kinh doanh hàng tạp hóa... nay họ đã thuần thục lắm rồi”- anh Vi Văn Hòa – cán bộ xã phụ trách bản Thạch Sơn cho hay.

Trong khi đó ông Ngân Xuân Nhung - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) chia sẻ: Sau 13 năm, người dân Đan Lai tái định cư về đây, chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người dân an tâm để lập nghiệp.

“Từ khởi đầu khó khăn, giờ người Đan Lai đã hòa nhập rất tốt cộng đồng, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu bằng chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, cuộc sống của bà con ổn định chúng tôi mừng lắm, nhiều hủ tục lạc hậu bà con đã xóa bỏ. Tuy nhiên điều đáng lo lắng nhất là tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn. Để hạn chế điều này, chúng tôi đang nỗ lực vận động bà con hiểu được tác hại của hủ tục này...”- ông Nhung nói.

21/35 hộ về nơi ở mới

Anh Lê Văn Nhị (SN 1970), người bản Búng cho hay: “Gia đình tôi là một trong những gia đình đăng ký ra nơi ở mới sớm nhất trong bản. Khi nghe cán bộ nói, chỗ ở mới có điện, đường, trường học cho con em lại có đất để sản xuất nên tôi đồng ý ngay. Còn ở đây, cố gắng lao động cũng không có của ăn của để, chỉ biết lên rừng hái măng xuống sông bắt cá thôi”.

Được biết, bản Búng hiện có 112 hộ, 500 khẩu; bản Cò Phạt hiện có 115 hộ, 500 khẩu, sống tách biệt với thế giới bên ngoài nên thường xảy ra hôn nhân cận huyết thống, con chú con bác, con cô con cậu lấy nhau. Cả bản chỉ có 2 họ là họ Lê và La. Do vậy để tái định cư cho những hộ dân cần sự chung sức đồng lòng của cả bộ máy chính quyền...

Để tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết về nơi ở mới, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã đi từng cửa, gõ từng nhà.

img

  Ông La Quang Vinh - Trưởng bản Thạch Sơn cho biết, người Đan Lai từ thượng nguồn sông Giăng ra khu tái định cư mới có cuộc sống sung túc, vui vẻ hơn. (Ảnh: Cảnh Thắng)

Ông Vi Văn Sơn – Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Từ đầu năm 2018  huyện đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với dân nhằm vận động, thuyết phục các hộ tại hai bản trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát là Cò Phạt và Khe Búng chuyển ra nơi ở mới. Huyện cũng đưa người dân đến tham quan khu tái định cư để bà con yên tâm”.

Đến nay đã có 21/35 hộ ký cam kết di dời. Hiện huyện đang xúc tiến các nội dung liên quan để đảm bảo hoàn thành việc di chuyển dân đến địa điểm mới trong thời gian sớm nhất.

Khu tái định cư Bá Hạ - Kẻ Tắt được quy hoạch với diện tích 100ha, trong đó 1,40ha đất ở; 95,19ha đất sản xuất. Cùng với đó, 35 ngôi nhà sàn và nhiều công trình phụ trợ kèm theo đã được hoàn thành từ năm 2011. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau đề án bị gián đoạn khiến các công trình bị hư hỏng, xuống cấp.

“Chúng tôi đã vận động được 21/35 hộ vào nơi ở mới nơi đây. Chúng tôi đã tu sửa các hạng mục như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng và các công trình phụ tạo điều kiện cho bà con tái định cư yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới”- ông Trần Anh Tuấn – Trưởng Ban quản lý dự án huyện Con Cuông cho biết.

Khá lạc quan về cuộc “di dân” ý nghĩa này, ông Vi Văn Sơn – Chủ tịch huyện Con Cuông khẳng định: Để đảm bảo ổn định đời sống cho các hộ dân sắp chuyển về khu tái định cư Bá Hạ – Kẻ Tắt, UBND huyện Con Cuông đã chỉ đạo các cấp các ngành làm tốt công tác tuyên truyền đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tiến hành cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cơ sở hạ tầng… để đón nhận người mới.

Dự kiến, khu tái định cư của các hộ dân Đan Lai sẽ sáp nhập vào bản Bá Hạ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem