"Chắc chắn các vụ án như Mobifone - AVG không phải là cuối cùng"

Thành An (thực hiện) Thứ tư, ngày 01/01/2020 10:00 AM (GMT+7)
Từ các vụ án liên quan đến các cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG hay Đinh La Thăng thời còn làm Chủ tịch PVN, ông Nguyễn Túc tin tưởng đó không phải là những vụ án cuối cùng và mong rằng “phải làm đến nơi đến chốn”. 
Bình luận 0

Trả lời Dân Việt, ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024) nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son không phải là vụ án cuối cùng. Nếu Đảng cương quyết làm, làm kiên trì và quyết liệt thì tin rằng sẽ còn nhiều vụ nữa”.

img

Ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024).

Cần huy động người dân đấu tranh chống tham nhũng

Thưa ông, năm 2019 khép lại với phiên tòa xét xử “chưa từng có trong lịch sử” liên quan đến cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Điều này một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Trung ương Đảng trong vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, thưa ông?

- Đúng vậy! Thứ nhất, qua vụ xử trên khẳng định điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Thứ hai, đây là lần đầu tiên có vụ tham ô với số tiền lớn đến như vậy. Qua sự việc này, với cách làm việc hiện nay, có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên thu hồi hầu như toàn bộ số tiền hối lộ cũng như mất mát mà chưa có tiền lệ.

Thứ ba, qua đây thấy rằng công tác cán bộ của chúng ta cần phải xem xét lại. Chính những người Đảng và Nhà nước đã từng tin tưởng, có những người vào Trung ương (T.Ư) đến hai khóa nhưng khi quyền vào tay thì lại làm những điều rất đáng chê trách. Đặc biệt, ông Nguyễn Bắc Son đã từng rao giảng ở các trường Đảng và trên báo chí về đạo đức cách mạng, phẩm chất của những người cộng sản. Thế nhưng cuối cùng chính những điều anh ấy nói thì anh ấy lại vi phạm. Điều đó chứng tỏ, giữa nói và làm nó hoàn toàn khác hẳn nhau. 

Vì vậy, tôi mong muốn làm sao công tác tổ chức cán bộ của chúng ta cần có sự giám sát của nhân dân. Đặc biệt, thời gian tới, Đại hội 13 những đồng chí dự kiến đưa vào T.Ư thì nên công khai để nhân dân góp ý vì qua bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa rồi cho thấy chính những việc công khai danh sách, thông qua nhân dân đã phát hiện ra một số đồng chí không trung thực, khai không rõ ràng mà cơ quan quản lý nhà nước không nắm được.

Ví dụ như chúng ta đã từng có một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách kinh tế nhưng khi công khai lên làm Phó chủ tịch Quốc hội thì dân phát hiện đồng chí đó đã có khuyết điểm, cuối cùng T.Ư phải đưa ra khỏi Đảng. Thế rồi, một loạt đồng chí tham gia vào Quốc hội đến khi dân phát hiện ra thì Quốc hội phải xóa bỏ tư cách. Thành ra, trong giám sát của nhà nước, giám sát của Đảng là rất cần thiết. Nhưng vẫn rất cần sự giám sát của dân, muốn dân giám sát được thì cần công khai minh bạch những đồng chí dự kiến được đề bạt.

Vừa qua, trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói đã thấy rõ được "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất". Trước đây chúng ta đặt câu hỏi "một bộ phận không nhỏ" là ai, nhưng giờ đã xác định được hình hài của nó, từ cán bộ cấp thấp cho đến cấp cao, không phải hỏi việc này ở đâu để khởi tố". Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, sau một thời gian dài buông lỏng quản lý và giám sát của một số cơ quan Đảng và Nhà nước, chắc chắn rằng vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son không phải là vụ án cuối cùng. 

Nếu Đảng cương quyết làm, làm kiên trì và quyết liệt thì tin rằng sẽ còn nhiều vụ nữa. Tôi cũng tin rằng phải tiếp tục làm đến nơi đến chốn để chúng ta ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tham ô.

img

TAND TP.Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến việc Mobifone mua 95% cổ phần Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Bác Hồ cũng đã nhiều lần căn dặn chúng ta rằng “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”, “không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”. 

Có thể nói rằng, thời gian qua, lòng dân bị li tán, niềm tin vào Đảng bị giảm sút vì sự thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ các cán bộ đảng viên. Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ đó lại nằm ở vị trí cán bộ chiến lược.

Cụ thể, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng.

Tất cả những điều đó cho phép chúng ta khẳng định rằng những vụ án đã qua không phải là những vụ án cuối cùng và mong rằng chúng ta phải làm đến nơi đến chốn. Những người nào vi phạm cần phải bị trừng trị và xử lý.

Thưa ông, để chống tham nhũng chúng ta cần lực và quyết tâm như thế nào?

Muốn làm được, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “phải cương quyết, không bàn lùi. Ai bàn lùi thì đứng ra một bên”. Việc này mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng vừa khẳng định lại tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 30/12/2019. 

Nhưng đứng về góc độ một người dân, tôi muốn rằng phải làm sao huy động được sức dân vào công cuộc chống tham nhũng chứ không phải chỉ là cơ quan nhà nước. Phần lớn những hành vi tham nhũng được người dân phát hiện ra rồi cơ quan báo chí vào cuộc thì cơ quan nhà nước mới tham gia vào chứ không phải vì ngay từ lúc đầu cơ quan nhà nước đã phát hiện ra. 

Cho nên, tôi thấy rằng cần phải huy động sức dân vào cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp này.

“Khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”

Như ông đã nói, vừa qua rất nhiều cán bộ chủ chốt, chiến lược đã vi phạm và phần nào đó gây ra nỗi băn khoăn cho người dân về công tác cán bộ, đặc biệt là cấp lãnh đạo. Theo ông, cán bộ lãnh đạo hiện nay cần có những phẩm chất gì?

- Nhớ đến lời Bác Hồ đã căn dặn chúng ta “phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Các vụ án vừa rồi, xét cho cùng thì cũng là mang danh nghĩa cá nhân, đặt cá nhân, lợi ích vật chất, đồng tiền cao và lớn quá khiến bản thân không còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ. 

img

Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại tòa (ảnh TTXVN).

Muốn giải quyết được việc này, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, điều quan trọng nhất là chính sách của Đảng và Nhà nước làm sao để hài hòa lợi ích trong điều kiện phát triển kinh tế nhiều thành phần. 

Thời bao cấp có thể nghèo đều về vật chất nhưng vấn đề phẩm chất đạo đức luôn được đề cao và việc đấu tranh phê bình trong nội bộ được làm rất mạnh… thành ra số cán bộ tham ô, thoái hóa biến chất rất ít, những người bị xử lý không đáng kể. 

Nhưng từ khi chúng ta đổi mới với việc phát triển kinh tế nhiều thành phần thì càng ngày, càng nhiều người, qua mỗi nhiệm kỳ, số cán bộ thoái hóa biến chất lại càng lớn. 

Tóm lại, bên cạnh việc giáo dục tốt hơn phải đấu tranh trong nội bộ mạnh hơn gắn với vấn đề huy động sức mạnh của nhân dân tham gia xây Đảng và Chính quyền theo quyết định số 127, 128 của Trung ương. Quan trọng nhất là phải xử lý chính sách làm sao để hài hòa lợi ích để đồng lương của cán bộ phải đủ sống và ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, suy thoái cán bộ hơn nữa.

Ông muốn nhắn nhủ đến những cán bộ của chúng ta những điều gì?

- Tôi cho rằng, lãnh đạo phải là cán bộ trung thành, biết chăm lo cho nhân dân và được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Đó là những người “khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Bác Hồ đã dạy, "cán bộ phải biết lo cái lo của dân, vui cái vui của dân và buồn cái buồn của dân". Những tấm gương về lãnh đạo được Bác Hồ dày công dẫn dắt và rèn luyện đều có phẩm chất đáng quý trên.

Với những biện pháp mạnh tay và quyết liệt như hiện nay, tôi tin tưởng rằng, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục kiện toàn và làm trong sạch bộ máy cán bộ trong thời gian tới. Đất nước sẽ lựa chọn được nhiều cán bộ lãnh đạo có tâm sáng, có tài trí, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem