Chăm sóc trẻ khuyết tật: Bố mẹ phải là điểm tựa

Thứ ba, ngày 19/04/2011 19:25 PM (GMT+7)
Dân Việt - Nhiều gia đình có con bị khuyết tật nhưng chưa có những hiểu biết cần thiết về cách chăm sóc và dạy bảo. Điều này dễ nảy sinh tâm lý xem con là gánh nặng, hắt hủi và cáu gắt với con làm bệnh tình các cháu càng nặng hơn.
Bình luận 0

Mặc cảm vì con

img

Nhiều người khuyết tật đang được tạo việc làm ngay tại địa phương.

Chị Phạm Thị Tuyết (Gia Trấn, Gia Viễn, Ninh Bình) có 2 con thì con gái đầu bị khuyết tật trí tuệ đã 16 năm nay. Lúc đứa con đầu vừa sinh cũng là lúc chồng chị bị bệnh nặng. Sau một thời gian chạy chữa không được, gia cảnh khánh kiệt, anh chồng bệnh nặng cũng bỏ chị mà đi.

Một mình phải nuôi 2 con ăn học, lại thêm gánh nặng từ cô con gái bị khuyết tật không thể nhận thức được việc gì đã làm chị gục ngã. Chị Tuyết cho biết: "Gia đình khó khăn, tiền ăn không có nói gì đến chạy chữa, chăm sóc, thuốc thang cho cháu. Tôi suốt ngày chỉ lo đồng áng nên cũng không có thời gian quan tâm đến cháu. Nhiều lúc nghĩ buông xuôi, chán nản cũng hay nảy sinh tâm lý cáu gắt, ghét bỏ con...”.

Những giọt nước mắt không ngừng rơi trên đôi gò má của người mẹ chưa đầy 40 tuổi ấy. Chị hối hận: "Nghĩ nhiều lúc cũng chán, nhưng nhìn nó 16 tuổi đầu mà không biết gì, thiệt thòi so với chúng bạn nên mình làm mẹ cũng phải vực dậy mà chăm sóc, an ủi nó".

Sau gần một năm được mời sinh hoạt trong Hội Gia đình cha mẹ có trẻ khuyết tật tại xã Gia Trấn, chị Tuyết đã được học thêm về cách chăm sóc, nuôi dạy con, đồng thời cũng tự ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc chăm sóc và bảo vệ con.

Hiện nay, cháu Nguyễn Thị Trang - con gái chị Tuyết có thể làm được những việc vặt trong gia đình như nấu cơm, luộc rau, quét nhà. Nhà không có tiền chữa bệnh cho con, nhưng may nhờ có bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo, nên một tháng 2 lần chị vẫn cho cháu đi khám định kỳ ở bệnh viện huyện để hạn chế sự phát triển của bệnh.

Không phải chịu hoàn cảnh quá vất vả như gia đình chị Tuyết, nhưng việc có con trai mới 3 tuổi đã bị khuyết tật cũng thực sự là gánh nặng cho gia đình chị Đào Thị Hiếu (Gia Vượng, Gia Viễn). Chị Hiếu tâm sự: "Chồng tôi là độc đinh, 2 con gái đã lớn, nghĩ cố thêm thằng con trai để nối dõi tông đường, ai ngờ cháu bị dị tật bẩm sinh. Gia đình buồn lắm, từ đó mà vợ chồng nhiều lúc cũng cãi cọ, gia đình lục đục. Nhưng con mình đẻ ra không thể bỏ được nên phải cố gắng chạy chữa bệnh cho cháu. Nhiều lúc gia đình chồng lời ra tiếng vào, nghĩ mà tức ứa nước mắt nhưng cũng đành chịu".

Cùng con vượt qua nỗi đau

Tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Người khuyết tật, Bộ LĐTBXH, Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội nghị thường niên giữa các tổ chức Người khuyết tật và Hội Cha mẹ trẻ khuyết tật khu vực miền Bắc lần thứ nhất. Hơn 200 đại biểu đã thảo luận về cách thức thúc đẩy sự liên kết và chia sẻ của các tổ chức hội; tổng kết kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, chăm sóc, giáo dục sức khoẻ cho các gia đình có người khuyết tật.

Không chỉ là gánh nặng về mặt kinh tế, nhiều gia đình có con khuyết tật cũng để lại những hệ lụy về mặt tinh thần. Gia đình anh Phạm Tiến Hội đang có sự rạn vỡ, mọi chuyện bắt nguồn từ đứa con chưa đầy 4 tuổi bị khuyết tật trí tuệ.

Anh Hội tâm sự: "Bệnh tình của cháu nhiều khi cũng làm vợ chồng tôi thêm căng thẳng. Giờ vợ chồng tuy đã sống ly thân, nhưng cả hai đều thương và thay nhau chăm sóc con khi phải nhập viện". Sau gần một năm điều trị, bệnh tình của con trai anh đã thuyên giảm rất nhiều. Hiện nay anh là một trong hai người hoạt động thường xuyên và tích cực trong hội cha mẹ có con bị khuyết tật của xã Yên Từ, huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Theo ông Lê Văn Dần - Chủ tịch UBND xã Yên Từ, toàn xã hiện có 20 cháu bị khuyết tật mức độ vừa và nặng. Trong đó, 10 cháu không có khả năng lao động, phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Xã có nhiều chương trình quyên góp ủng hộ gia đình có người khuyết tật đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn chưa thực sự bài bản và hiệu quả.

Thời gian tới, xã sẽ tổ chức lại hội cha mẹ trẻ khuyết tật thành lập câu lạc bộ nhằm ổn định tổ chức, tạo điều kiện cho cha mẹ các cháu sinh hoạt. Qua đó, không những hỗ trợ cha mẹ các cháu trong việc chăm sóc nuôi dạy con cái bị khuyết tật, mà còn tạo công ăn việc làm cho các cháu để các cháu tìm được ý nghĩa trong cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem