Chạm tay vào niềm vui người nuôi cá

Hoàng Sơn Chủ nhật, ngày 26/10/2014 08:48 AM (GMT+7)
Chao nhẹ vợt xuống lồng, chị Nga đã tóm ngay được 2 con cá trắm cỏ béo lẳn, mỗi con nặng khoảng 3kg. “Giống cá trắm cỏ này không lo ế, nhưng nhà em sẽ xuất bán vào gần Tết, khi đó cá lớn cỡ 4-5 cân” - chị Nga phấn khởi nói.
Bình luận 0

Nhìn cá lớn, thấy “no con mắt”

Năm nay chị Nguyễn Thị Nga 30 tuổi. Gia đình chị sống ở xóm Vôi, xã Thái Thịnh (TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình). Từng sống nhiều năm bên mép nước hồ Thuỷ điện Hoà Bình, chị đã quen nhìn thấy những con cá lớn. Nhưng với 3 lồng cá trắm cỏ này, chị và chồng có lý do thực sự để vui mừng.

So với lượng cá giống thả xuống từ đầu năm đến nay, cá không chỉ lớn nhanh mà vẫn “ở lại” trên 80% trong lồng, chứ không hao hụt lớn như nhiều hộ nuôi cá lồng khác trên sông... “Nhìn cá lớn, thấy “no con mắt”. Chúng tôi mong được vay thêm vốn để phát triển bền vững mô hình này” – chị Nga chia sẻ.

img
TS Nguyễn Duy Lượng (phải) kiểm tra nghiệm thu dự án tại xã Thái Thịnh.

Gia đình chị Nga là một trong 4 hộ tái định cư vùng lòng hồ ở xã Thái Thịnh được lựa chọn tham gia dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá trắm cỏ thương phẩm trong lồng khu vực hồ chứa Thuỷ điện Hoà Bình”, với tổng cộng 12 lồng nuôi và 3.000 con cá giống. Dự án do Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) chủ trì, thực hiện từ tháng 3.2014.

Ngày 23.10 vừa qua, đoàn cán bộ T.Ư Hội NDVN đã về xã Thái Thịnh kiểm tra nghiệm thu dự án. Đón nhận con trắm cỏ béo tròn từ tay chị Nga và kiểm tra kỹ mật độ cá từng lồng nuôi, tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN vui vẻ chia sẻ:

Kiểm tra nghiệm thu cá lồng, không chỉ tai nghe mắt thấy, mà còn phải “tay sờ” để cảm nhận rõ niềm vui của người nuôi cá và thành quả của cán bộ dự án. “Để cá lớn nhanh, lớn đều và tỷ lệ hao hụt thấp như thế này, chắc chắn yếu tố con giống tốt và kỹ thuật phòng bệnh tốt đóng vai trò quyết định - ông Nguyễn Duy Lượng ghi nhận - tôi đề nghị Ban quản lý dự án, Hội ND các cấp tỉnh Hoà Bình và UBND xã Thái Thịnh đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng mô hình”.

Năng suất vượt “chỉ tiêu”

Quan điểm
Ths Phạm Văn ĐứcPhó phòng Tổng hợp (Văn phòng T.Ư Hội NDVN)
 Tỷ lệ cá sống đạt 82%; trọng lượng cá bình quân 3kg/con trở lên, ước đạt 6,5 tấn/12 lồng, vượt gần 1 tấn so với mục tiêu 5,6 tấn mà dự án đã đề ra... 
Trao đổi với chúng tôi, Ths Phạm Văn Đức – Phó phòng Tổng hợp (Văn phòng T.Ư Hội NDVN), Chủ nhiệm Dự án cho biết: Tổng kinh phí dự án hơn 461 triệu đồng, trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương là 300 triệu đồng, vốn của 4 gia đình đóng góp hơn 161 triệu đồng. Trước khi chọn đưa cá trắm cỏ vào mô hình này, Ban quản lý dự án đã tham khảo kết quả khảo sát năm 2012 đối với một số hộ nuôi cá lồng tự phát ở một số tỉnh. Kết quả khảo sát với mô hình nuôi cá trắm cỏ, thả cá giống cỡ 5 con/kg, sau 10 tháng, tỷ lệ hao hụt tới 80%, trọng lượng cá lúc thu hoạch đạt 2-2,2kg/con. Nguyên nhân do giống cá mua ở thị trường trôi nổi, chất lượng thấp.

Không chỉ “chọn hộ” và đối tượng nuôi phù hợp với vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình, Dự án đã ký hợp đồng mua cá giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y với Trung tâm Giống vật nuôi thuỷ sản Hoà Bình, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hồng Quân. Dự án cũng thuê một kỹ sư thuỷ sản để chỉ đạo kỹ thuật và bám sát mô hình. Các khâu hoạt động của dự án rất linh hoạt, khó đâu gỡ đó, không câu nệ và cứng nhắc… Do đó, kết quả dự án đạt được rất cao.

Từ chỗ 70 lượt cán bộ, hội viên tham gia dự án tại xã Thái Thịnh được tập huấn kỹ thuật, đến nay đã có hơn 250 hội viên được tiếp cận kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh cho cá trắm cỏ, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới tạo ra sản phẩm cá sạch, chất lượng cao, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem