9 năm... 9 bảo tàng tư
Hơn 50 năm qua, bảo tàng nhà nước ra đời ở đủ các ngành, các bộ, trở thành một hệ thống khá đầy đủ. Tuy nhiên, người ta ngày càng thấy bảo tàng công lập hoạt động kém hiệu quả. Người xem thưa thớt, “vắng như chùa Bà Đanh”, (nhất là các bảo tàng địa phương). Có nơi bảo tàng chỉ chuyên cho đám cưới thuê.
|
Đến bao giờ các cổ vật trong sưu tập tư nhân được trưng bày trong bảo tàng tư nhân? |
Muốn bảo tàng hoạt động hiệu quả, rất cần có các dịch vụ văn hóa để thêm phong phú. Nhưng để tổ chức dịch vụ và bán vé, bảo tàng lại phải xin phép Hội đồng nhân dân địa phương. Có nơi Hội đồng nhân dân không cho phép, thì bảo tàng chịu chết.
Trong bối cảnh đó, bảo tàng tư nhân giống như một luồng gió mới – phù hợp với xu thế thế giới. Một số bảo tàng lần lượt ra đời và hoạt động khá hiệu quả. Có thể kể Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu ở Hòa Bình. Bảo tàng sưu tập tranh của bà Phan Thị Ngọc Mỹ ở chùa Thầy – Hà Nội; Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày ở Phú Quốc ở Phú Xuyên, Hà Nội của ông Lâm Văn Bảng; Bảo tàng gốm tư nhân Ninh Bình…
TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản nhấn mạnh rằng, tương lai của ngành bảo tàng học thế giới cũng như Việt Nam phụ thuộc vào số lượng của các bảo tàng tư nhân. Nhưng mới đây, trong một hội thảo liên quan đến hoạt động của bảo tàng, TS Lê Thị Minh Lý – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá buồn rầu cho biết: 9 năm qua mới chỉ có vẻn vẹn… 9 bảo tàng tư nhân ra đời.
“Dặt dẹo” đến bao giờ?
Điều này thật trái ngược với thực tế ngoài xã hội có hàng ngàn bộ sưu tập cá nhân đủ các chủng loại phong phú, thừa sức trở thành bảo tàng tư nhân đúng với chính sách xã hội hóa văn hóa. Nhưng chưa mấy ai dám thành lập bảo tàng, bởi tâm lý e ngại…
Luật Di sản năm 2001 có nhiều điều khoản cho phép tư nhân thành lập bảo tàng, tưởng chừng là một “cánh cửa mở” cho các bảo tàng tư nhân chính thức được xuất hiện. Nhưng nhiều điều luật vẫn còn khái quát, cần phải có thêm những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Thế nhưng 9 năm đã qua thông tư hướng dẫn cần thiết như vậy vẫn chưa có.
Từ ngày 31-10 đến 2-11, đã có một khóa tập huấn và hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng. Khóa tập huấn này có sự tham dự của gần 100 giám đốc các bảo tàng cả nước gồm cả bảo tàng nhà nước và tư nhân.
Trước đó, ngày 26-10 cũng đã có một hội thảo gồm các chuyên gia ngành bảo tàng và di sản được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xung quanh vấn đề trên.
Hoạt động của bảo tàng tư nhân hiện nay được họa sĩ Vũ Đức Hiếu ví như “đi trên dây”. Bởi chưa có một chế tài cụ thể riêng, nên bảo tàng tư nhân đang tạm hoạt động theo… Luật Doanh nghiệp. Khi cầm giấy cho phép thành lập bảo tàng để đi xin mã số thuế để được phép bán vé, thì Chi cục Thuế tỉnh không đồng ý cấp, bắt bảo tàng phải thành lập công ty mới cấp. Việc thu phí dịch vụ gồm vé, tiền ăn uống của khách đến thăm…, vì vậy rất phiền phức.
Một bất cập nữa là bảo tàng nhà nước thì được bao cấp toàn bộ, đầu tư nhiều tỷ đồng, còn các bảo tàng “ngoài công lập” đều phải tự chi trả hoạt động, không có nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Những người chủ bảo tàng tư nhân và các chủ bộ sưu tập di sản vẫn chờ đợi như “đất hạn mong mưa” một thông tư nhằm quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng với những điều khoản cụ thể, thuận lợi, tạo hành lang hoạt động thông thoáng.
Nếu có được những cơ sở pháp lý đó, người dân và du khách chắc sẽ được tiếp cận những vẻ đẹp của quá khứ nhiều hơn và thuận tiện hơn, chứ không đến mức phải lãnh đạm đi qua những bảo tàng đồ sộ, nhưng ở trong vắng vẻ.
Vũ Thạch
Vui lòng nhập nội dung bình luận.