Chàng “phù thủy” Việt trắng đêm dệt váy cưới cho vợ

Thứ năm, ngày 13/02/2014 09:10 AM (GMT+7)
Nguyễn Nhật Thọ - chàng trai 27 tuổi đã âm thầm thức thâu đêm để “dệt” một chiếc váy cưới cho vợ bằng… bong bóng. Ngắm chiếc váy cưới có một không hai ấy, cô vợ tương lai không khỏi xúc động và sung sướng.
Bình luận 0
Sau đó, bộ ảnh cưới của họ có tên "Tình yêu bóng bay” đã vượt gần một ngàn ứng viên để đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Album cưới ấn tượng”. Thương hiệu “Phù thủy bóng bay” của Thọ ngày một vang xa...

Bỏ việc vì mê bóng bay

Năm 2011, trong một lần dạo phố, thấy có người đang tạo hình cho bóng bay, Thọ dừng bước, say mê ngắm nhìn. Về tới nhà, hình ảnh những trái bóng bay đầy màu sắc được bàn tay tài hoa kết vặn thành những hình thù xinh xắn cứ “bay lơ lửng” trong đầu chàng trai.

img

Ngay sau đó, Thọ đi mua bóng, bắt đầu học cách tạo hình. Vừa mày mò, vừa lên mạng học hỏi, Thọ đã tạo ra những hình đơn giản như bông hoa, con cún. Càng học càng đam mê, chàng trai trẻ quyết định bỏ ngang công việc ổn định với mức lương hậu hĩnh để “kết duyên” với những quả bóng bay đầu màu sắc.

Trước sự “nhảy việc” chẳng giống ai của con trai mình, bố mẹ Thọ không đồng ý. Để thuyết phục, cứ mỗi ngày, Thọ lại tạo ra những con vật ngộ nghĩnh hay những chùm hoa khoe sắc bằng bóng bay, để trong phòng tặng bố mẹ. Ngắm những tác phẩm nghệ thuật ấy, bố mẹ Thọ đã bị “hớp hồn”, đành ủng hộ con đường “độc đạo” con trai mình đã chọn.

Từ đó, Thọ toàn tâm toàn ý vào việc sáng tạo những sản phẩm bóng bay nghệ thuật. Để nâng cao tay nghề, Thọ “khăn gói” sang tận Thái Lan học hỏi. Ngày trở về, chàng trai mang theo nhiều “bí kíp” kỹ thuật như xoắn khóa, xoắn tai, xoắn kim... để tạo ra những con vật hay hình thù ngộ nghĩnh.

Những chùm bóng bay được bơm, vặn, uốn, nắn, vẽ, kết chùm… thành hình trái tim, một tòa lâu đài nguy nga, siêu nhân, người nhện, giỏ hoa, chiếc bánh ga tô… vô cùng đáng yêu.

Những sản phẩm của Thọ được "tiếp thị" ở các công viên, nơi vui chơi giải trí. Ngay lập tức, bóng bay nghệ thuật được giới trẻ, đặc biệt là trẻ em mê mẩn. Từ đó, Thọ liên tiếp nhận được đơn đặt hàng, ban đầu là bạn bè, người thân rồi sau đó là các công ty, cơ quan cần trang trí. Biệt danh “Phù thủy bóng bay” có từ đó.

Chàng trai cho hay: “Từ một bộ đồ nghề cơ bản như bơm, bóng, túi đựng bóng bay, kéo, bút vẽ, qua sự khéo léo của đôi bàn tay cùng óc tưởng tượng, những quả bóng có thể hóa thành những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu”.

Để hoàn thành một tác phẩm, người chơi phải mất thời gian lên ý tưởng, chọn màu sắc phù hợp. Công đoạn làm tác phẩm bóng gồm: Uốn đơn (chỉ sử dụng một quả bóng để tạo thành hình khối) và uốn phức (sử dụng từ hai quả bóng trở lên). Kết hợp uốn đơn - phức để tạo nên những tác phẩm nhiều màu sắc, đồ sộ, sáng tạo những hình thù khác nhau theo sự tưởng tượng của mỗi người.

Các “cao thủ” thường dùng hơi để thổi bóng chứ không dùng bơm. Thổi bóng bằng hơi sao cho đủ, cho vừa, cũng là một phần quan trọng trong môn nghệ thuật thú vị này.

Đặc biệt, khó nhất khi là căn hơi và nút vặn trên tác phẩm, sao cho không bị nổ bóng. Ban đầu, người chơi bóng bay dễ nản vì thường gặp khó khăn như bơm quá căng, bong bóng nổ khiến tay bỏng rát; xoắn bong bóng không đúng cách sẽ không tạo ra hình dáng mong muốn. Vì thế, ngoài niềm đam mê, cần phải có sự kiên trì, mới theo được bộ môn nghệ thuật mới lạ này.

Những người nóng vội, thiếu kiên trì, hoặc đặt nặng vấn đề thu nhập, sẽ khó lòng theo nghề. Chàng trai cho biết một người mới học, nhanh ý cũng mất khoảng 5 - 6 tháng, còn để làm các tác phẩm chuyên nghiệp phải luyện tập chừng 1 - 2 năm. Trong khi đó, tiền thù lao cũng chỉ là “lấy công làm lãi”. Vì thế, muốn học được môn nghệ thuật này, ngoài sự khéo léo, kiên trì, có óc tưởng tượng, thì còn phải có đam mê.

“Nhiều nguồn tin cho rằng mình kiếm lãi khủng hàng chục triệu đồng/ tháng qua nghề vặn bóng bay nghệ thuật... Thực tế không phải vậy. Chỉ có thể rơi vào các dịp thật đặc biệt như Trung thu, Noel, Tết thiếu nhi… mà cũng phải làm việc cật lực từ sáng đến tận khuya mới đạt được doanh thu đó. Còn ngày thường, tiền lãi chỉ đủ duy trì hoạt động, sức sáng tạo, thỏa lòng đam mê của các thành viên trong câu lạc bộ", Thọ chia sẻ.

Chiếc váy cưới độc nhất vô nhị


Tháng 5.2011, để thú chơi này phát triển tại Việt Nam, Thọ và một người bạn đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) đầu tiên ở Hà Nội lấy tên là CLB bóng bay nghệ thuật Việt Nam. Gần hai năm qua, đã có rất nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao đều do chính CLB sản xuất.

Thọ cho biết, có thể kể tới như: “Bữa tiệc hải sản”, “Cổng Rồng - Song long Giáng thế”, “Sân ga mơ ước”, “Mâm ngũ quả”, “Cô dâu - chú rể”… khiến nhiều người phải ồ lên ngạc nhiên đầy thích thú. Để có những sản phẩm ấy, Thọ và các thành viên trong CLB phải vận dụng hết sự sáng tạo, tưởng tượng của mình, làm ròng rã mấy ngày trời.

Thọ tự hào cho biết CLB được tổ chức Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận. Hai năm liên tiếp 2012 - 2013, CLB nhận được bằng khen của Hiệp hội làng nghề về quá trình hoạt động và tham gia xã hội. Bóng bay nghệ thuật đã “bỏ bùa” thanh thiếu niên tới nỗi, sau hai năm thành lập, đến nay, CLB có thêm hai chi nhánh ở TP.HCM, Hải Phòng, thu hút hàng trăm học viên độ tuổi từ 3 - 22. Ngoài ra, CLB mở trang web để đưa các ý tưởng, mẫu sản phẩm, hướng dẫn kỹ năng tạo hình.

Ngoài thỏa lòng đam mê, bộ môn nghệ thuật này cũng giúp cho Nhật Thọ tìm được một nửa của mình. Mến tài chàng trai, thiếu nữ được đánh giá là "hot girl" ấy đã chủ động tìm gặp. Sau một thời gian hẹn hò, Thọ quyết định "đưa nàng về dinh".

Để kỷ niệm cho hạnh phúc của mình, chàng trai đã âm thầm thức suốt đêm “dệt” một chiếc váy cưới bằng… bóng bay tặng nàng. Đón nhận chiếc váy cưới có một không hai, cô vợ tương lai không khỏi xúc động và sung sướng. Sau đó, bộ ảnh cưới của Thọ có tên "Tình yêu bóng bay”, đã vượt qua gần một ngàn ứng viên để đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi “Album cưới ấn tượng”. Thương hiệu “Phù thủy bóng bay” của Thọ ngày một vang xa.

Chia sẻ về mục tiêu của mình, chàng “phù thủy bóng bay” cho biết muốn hướng đến là việc quảng bá môn nghệ thuật độc đáo này đến với cộng đồng, được tham gia những giải thi đấu trong nước và thế giới. Qua đó, nghệ thuật bóng bay Việt Nam có cơ hội thể hiện văn hóa, bản sắc của dân tộc tại đấu trường quốc tế.

Trên thế giới, bóng bay nghệ thuật có nhiều tên gọi khác nhau như balloon modeling, balloon twisting, arigami. Bóng bay nghệ thuật được coi là sự giao thoa của các lĩnh vực: Điêu khắc, múa rối và nghệ thuật gấp giấy.

Với những trái bóng bay rực rỡ, đôi bàn tay khéo léo và trên hết là một cái đầu sáng tạo, người nghệ sĩ sẽ “hô biến” thành gấu Pooh, mèo Hello Kitty, Doraemon… dễ thương hay những đồ vật hết sức thân thuộc trong cuộc sống.

Tuy mới du nhập về Việt Nam, bóng bay nghệ thuật đã nhanh chóng hút hồn cộng đồng người Việt trẻ. Đi đầu phải kể đến CLB Bóng bay nghệ thuật Việt Nam do Thọ làm chủ nhiệm.

baophapluat (Theo baophapluat)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem