Chàng trai bỏ phố về quê trồng lúa sạch, đưa "nàng hoa" vươn xa

Chí Trung - Đăng Khôi Thứ năm, ngày 31/12/2015 13:30 PM (GMT+7)
Rời bỏ chốn thị thành xa hoa nhưng cũng đầy ắp bon chen, chàng thanh niên trẻ Võ Văn Tiếng, 24 tuổi, ngụ ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) trở về với ruộng đồng quê hương và ấp ủ ý tưởng “táo bạo”: Sản xuất lúa sạch, nói không với chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Bình luận 0

Muốn được sản xuất nông sản sạch

Võ Văn Tiếng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống trồng lúa tại huyện biên giới Hồng Ngự. Cũng như bao gia đình nhà nông khác, cuộc sống của gia đình anh khá khó khăn, cực khổ, nên từ nhỏ Tiếng đã luôn suy nghĩ phải làm sao để ly nông.

img

Chàng thanh niên Võ Văn Tiếng bên ruộng lúa sạch của mình và sản phẩm gạo sạch đang được ưa chuộng ngoài thị trường.  Ảnh: T.K

Vào đầu năm 2009, Tiếng tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh lên TP.Hồ Chí Minh học nghề với chuyên ngành công nghệ thông tin, sau đó tiếp tục học hướng dẫn viên du lịch để mong thoát khỏi nghề nông của gia đình. Học đủ thứ nghề, nhưng thấy vẫn không phù hợp với khả năng của mình, Tiếng tự tìm tòi học hỏi ngoài xã hội.

Những tháng ngày lang thang khắp nơi trên quê hương Việt Nam, Tiếng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và xã hội. Với suy nghĩ - thanh niên phải sống có điểm nhấn cho tuổi trẻ của mình, anh vác chiếc xe đạp đi từ Cà Mau đến Hà Nội cho dù trong túi anh chỉ có… 10.000 đồng. Chuyến đi đó đã cho anh nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, nhiều bài học ở ngoài xã hội anh học được mà không nhà trường nào dạy được.

Và chính từ đây, anh bắt đầu có ý nghĩ về chuyện quay lại nghề nông. “Có lần, tôi lang thang tận ngoài Tây Bắc, vào các bản của người dân tộc, thấy họ trồng lúa không bón phân, thuốc. Ăn hạt cơm thấy thơm ngọt, giữ được hương vị thiên nhiên. Chưa kể, các loại thực phẩm mà bà con sản xuất cũng rất an toàn, sạch. Lúc đó, nghĩ lại cách làm nông của gia đình và nông dân quê mình, tôi thấy ai ai cũng lạm dụng phân bón, thuốc hóa học bừa bãi, khai thác cạn kiệt nguồn dinh dưỡng từ đất, sản xuất kiểu đó không bền vững được” - anh Tiếng nhớ lại.

Sau lần đó, Tiếng tự đặt câu hỏi và nhận thấy, sao người Việt mình ngày càng có nhiều người mắc ung thư, phải chăng do ăn uống thực phẩm không an toàn? Rồi anh quyết định quay trở về quê hương để “thiết kế” một chương trình sản xuất gạo sạch.

Biến ước mơ thành sự thật

Gạo là đồ ăn hàng ngày không thể thiếu của người Việt Nam, vì thế mong muốn của Tiếng là sẽ làm một “cuộc cách mạng” gạo Việt Nam với mong muốn sẽ có thực phẩm sạch cho gia đình và cung cấp cho những người có nhu cầu.

Ý tưởng của Tiếng đã không thật sự thuận lợi vì nhiều ý kiến trái chiều và nhất là gia đình vẫn còn e ngại về kế hoạch của anh. Tuy nhiên với việc dám nghĩ, dám làm và làm phải thành công nên anh đã lên kế hoạch và thực thi công việc của mình. Ban đầu anh rất tốn chi phí cho việc cải tạo lại đất đai vì phương thức sản xuất truyền thống đã lấy đi rất nhiều dinh dưỡng của đất. Anh đã xây dựng 1 bờ bao cao 1m, chân đất dài 2m để ngập nước và sản xuất giống lúa Nàng hoa 9. Vụ đầu tiên anh Tiếng sử dụng 1/2 lượng phân hóa học + 1/2 lượng phân vi sinh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Tiếng cho biết, để sản xuất lúa sạch cần sử dụng các loại thiên địch trên đồng ruộng để quản lý dịch hại nên trên mảnh ruộng của mình anh thường xuyên bơm nước. Bên cạnh đó anh còn thả vịt và cá mè, cá rô, cá sặc, cá lóc tự nhiên cũng như các loại cá khác để tiêu diệt các mầm bệnh và ốc bươu vàng, giúp cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại.

Vụ lúa đầu tiên, năng suất lúa của anh chỉ đạt 4 - 4,5 tấn/ha (trong khi sản xuất truyền thống đạt từ 6 - 7 tấn/ha), song bù lại giá thành sản xuất lại thấp do sử dụng ít phân hóa học và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Sau khi thấy được hiệu quả của việc sản xuất lúa sạch, các vụ sau mình không sử dụng phân hóa học nữa mà chỉ sử dụng phân sinh học, tiến đến làm lúa sạch thuần chủng” - anh Tiếng nói.

Đưa “Nàng hoa” vươn xa

 " Việt Nam là nước trồng lúa lâu năm, nhưng hiện tại chất lượng gạo lại thua cả Campuchia. Đây là một thực tế đáng buồn, nên tôi sẽ thực hiện bằng được ước mơ sản xuất gạo sạch của mình. Hy vọng dự định của tôi sẽ được nhiều cơ quan chuyên môn hỗ trợ, giúp đỡ”.
Võ Văn Tiếng

Hiện nay, anh Tiếng đang canh tác 2ha lúa Nàng hoa 9 áp dụng phương thức sản xuất theo hướng an toàn. Đặc biệt, anh còn tự đi xay xát gạo và đóng bao bì sản phẩm gạo làm ra với thương hiệu Tâm Việt đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận. Theo Tiếng, anh lấy thương hiệu Tâm Việt là bởi anh sản xuất với cái tâm của người Việt, mong muốn mang một loại lương thực sạch đến người tiêu dùng.

Để tiêu thụ sản phẩm, Tiếng đóng gói gạo thành bao để bán lên thị trường TP. Hồ Chí Minh với giá 28.000 đồng/kg (mỗi túi có trọng lượng 3 - 5kg). Anh Tiếng nhận định: “TP.Hồ Chí Minh là thị trường tiềm năng vì mức sống cao và họ cần một chất lượng gạo tốt, sạch, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều người cho rằng giá bán hiện còn thấp, nhưng tôi muốn chia sẻ những hạt gạo sạch của mình làm ra cho những người tôn trọng sản phẩm sạch chứ không vì mục đích kinh doanh chạy theo lợi nhuận”.

 Được biết, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được của Tiếng không cao hơn sản xuất gạo thường, nhưng bù lại sản phẩm gạo sạch của anh đã cung ứng cho người tiêu dùng và đạt được ước mơ của anh mong muốn. Theo Tiếng, nhiều lúc anh không hiểu vì sao gạo là bữa ăn không thể thiếu hàng ngày của người dân Việt, tức là luôn luôn có đầu ra, mà người trồng lúa cứ mãi nghèo. “Nếu người nông dân cứ mải chạy theo  năng suất mà không chú ý đến chất lượng, thì dù có làm đến 3-4 vụ/năm vẫn nghèo. Còn biết sản xuất gạo chất lượng cao, sạch cho dù làm 2 vụ, vẫn có thu nhập cao”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tiếng cho biết, hiện anh đang xây dựng đề án mở rộng mô hình lúa sạch và thương hiệu gạo Việt Nam với quy mô hơn 20ha đất sản xuất và mô hình này sẽ khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm gạo đóng gói. “Hướng tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo lại diện tích đang canh tác và nếu có điều kiện sẽ phối hợp các bạn thanh niên có chung niềm đam mê mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, quảng bá, tiêu thụ... nhưng hiện tại vẫn duy trì mô hình đang thực hiện”- anh Tiếng bộc bạch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem