Ban nhạc "Âm vang niềm tin" được thành lập gồm 5 thành viên, trong đó có Trần Văn Thương. Ban nhạc ra đời với mong muốn lan tỏa giọng hát, tiếng đàn, mang sự vui vẻ, lạc quan đến với người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm thị.
Tôi mới được gặp anh Trần Văn Thương trong Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa tổ chức. Tuy nhiên, giọng hát và tiếng đàn của anh trong ban nhạc "Âm vang niềm tin" thuộc Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh thì đã nổi tiếng từ lâu.
Sinh ra tại làng Mỹ Thôn, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) bên dòng sông Đuống êm đềm nhưng số phận của anh Thương lại chẳng êm xuôi. Gia đình có 4 anh chị em, Trần Văn Thương không may mắn khi sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng. Mấy năm đầu đời, Thương vẫn vui vẻ, hồn nhiên vì chưa nhận ra sự khác biệt với bạn bè đồng trang lứa.
Thế nhưng đến tuổi đi học, các bạn được đến trường còn mình phải ở nhà, lúc đó Thương mới cảm nhận được sự khiếm khuyết của cơ thể. "Tôi rất tủi thân, mặc cảm, nghe bạn bè tả về trường, lớp, về thầy cô mà tôi buồn vô cùng. Tôi muốn được trông thấy ánh sáng như các bạn, nhưng đó là điều không thể", Trần Văn Thương tâm sự. Không thể nhìn thấy ánh sáng khiến Thương sống khép kín, ít giao tiếp với bạn bè. Tuy vậy, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng bạn bè hàng xóm tập đánh vần là khát khao được học chữ trong Thương lại trở nên mãnh liệt.
Nhờ sự giúp đỡ của Hội Người mù huyện Gia Bình, năm 9 tuổi, Trần Văn Thương được lên TP Bắc Ninh để học chữ Braille (chữ nổi). Không phụ lòng mong đợi của cha mẹ, người thân, Thương đã thành thạo chữ Braille chỉ trong hai năm và đạt danh hiệu học viên xuất sắc. Sau đó, anh tiếp tục được đi học tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dành cho trẻ em khiếm thị tại Hà Nội.
Tại đây, Trần Văn Thương bắt đầu bộc lộ năng khiếu âm nhạc, loại nhạc cụ nào anh cũng chỉ cần nghe và thử một vài lần là có thể chơi được cơ bản. Học xong lớp 9, Trần Văn Thương trúng tuyển vào Khoa Nhạc cụ truyền thống (chuyên ngành đàn bầu) của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Quá trình học âm nhạc đối với Thương đầy gian nan, vất vả.
"Nhớ lại những ngày đầu, bàn tay non nớt của tôi bấm lên dây đàn guitar tới rớm máu. Rồi cảm giác hoang mang với những chức năng và nút bấm của chiếc đàn organ. Đặc biệt là cây đàn bầu - một loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc, chỉ có duy nhất một dây và không có phím. Chính vì vậy, tôi gặp rất nhiều trở ngại trong việc xác định vị trí của điểm đàn.
Thời gian đầu, tôi thường gẩy lệch điểm nên tiếng đàn lẫn rất nhiều tạp âm, không được tròn trịa. Mỗi giờ lên lớp, tôi luôn cố gắng tập trung để ghi chép những lời giảng của thầy cô bằng bảng chữ tắt và các ký hiệu nhạc Braille cùng chiếc máy tính có cài đặt phần mềm hỗ trợ đọc màn hình. Sau mỗi giờ lên lớp, tôi dành phần lớn thời gian để tập đàn, tìm hiểu thêm những kiến thức về âm nhạc thông qua internet và tham gia các ban nhạc, nhóm hợp ca", Trần Văn Thương chia sẻ.
Sau bao nỗ lực, năm 2019, Trần Văn Thương tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với tấm bằng cử nhân loại giỏi.
Tiếng hát át... bi quan
Năm 2013, Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh thành lập ban nhạc "Âm vang niềm tin" gồm 5 thành viên, trong đó có Trần Văn Thương. Ban nhạc ra đời với mong muốn lan tỏa giọng hát, tiếng đàn, mang sự vui vẻ, lạc quan đến với người khuyết tật, đặc biệt là những người khiếm thị.
Trong ban nhạc, anh Thương, anh Minh, chị Vui chuyên về đàn bầu, còn anh Thanh, anh Toản chuyên về đàn tranh. Mỗi lần có dịp biểu diễn, ban nhạc phải mất nhiều thời gian tập luyện hơn bình thường bởi một phần bận làm việc, học tập, một phần nữa vì việc đi lại của một số thành viên phụ thuộc vào người khác.
Ngoài ra, luyện hát, phối bè, ký âm từng nốt, từng câu, từng đoạn thành chữ nổi cũng mất khá nhiều thời gian, công sức. Tuy vậy, "Âm vang niềm tin" chưa bao giờ bị "bể sô" sự kiện, bởi ai cũng nhiệt tình, yêu âm nhạc như chính sự sống và tận tụy, trách nhiệm với tập thể. Ban nhạc của Trần Văn Thương chủ yếu biểu diễn tại các hoạt động của hội người mù các cấp, tỉnh đoàn, trại phong Quả Cảm cùng một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bình quân mỗi năm, ban nhạc biểu diễn khoảng 40 sự kiện, trong đó có nhiều lần biểu diễn để gây quỹ từ thiện. Riêng anh Thương còn tham gia một số ban nhạc, hoạt động khác như: Ban nhạc "Hy vọng" do GS, nghệ sĩ Tôn Thất Triêm phụ trách; các đêm nhạc gây quỹ, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo do Hội Bác sĩ tình nguyện tổ chức. "Tôi thường xuyên tự bắt xe buýt từ Bắc Ninh về Hà Nội và ngược lại để tham gia các đêm hát gây quỹ. Tôi rất hạnh phúc khi được cất tiếng hát, góp chút công sức nhằm gây quỹ giúp người nghèo", anh Trần Văn Thương chia sẻ.
Ẩn sau giọng hát, tiếng đàn của ban nhạc nói chung và anh Trần Văn Thương nói riêng là thông điệp về nghị lực sống, ý chí vượt lên số phận. Không thấy ánh đèn sân khấu hay những khuôn mặt hân hoan cổ vũ, nhưng các thành viên ban nhạc vẫn rất hăng say cất lên tiếng hát và cảm nhận được sự mến mộ của khán giả qua những tràng pháo tay.
Chia sẻ về những lần giao lưu cùng ban nhạc "Âm vang niềm tin", chị Nguyễn Minh Hải, một người dân ở tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Tôi đã được nghe ban nhạc biểu diễn nhiều lần ở các sự kiện thiện nguyện. Các anh chị tuy khiếm thị nhưng biểu diễn rất hay, có cảm xúc. Tôi thấy các bạn không may bị khiếm thị trở nên cởi mở và tự tin hơn sau khi được nghe ban nhạc biểu diễn. Có lẽ đối với người khiếm thị thì âm nhạc chính là một ngôn ngữ đặc biệt".
Nỗ lực tạo việc làm cho người khiếm thị
Không chỉ say mê âm nhạc, với vai trò là Phó chủ tịch Hội Người mù huyện Gia Bình phụ trách mảng dự án việc làm, đào tạo nghề của hội, anh Trần Văn Thương còn luôn tích cực kết nối tạo việc làm cho hội viên, trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhiều nghề. "Đối với người khiếm thị, nghề tẩm quất là nghề thế mạnh. Cơ sở tẩm quất của hội đã được thành lập gần 20 năm và đào tạo nghề cho hàng trăm hội viên. Hiện tại, cơ sở có 5 kỹ thuật viên, chúng tôi liên tục mở các lớp dạy nghề miễn phí, giúp các bạn khiếm thị có một sinh kế lâu dài", anh Thương cho biết.
Nhưng để có được học viên không phải chuyện dễ dàng, bởi một bộ phận người khiếm thị còn mặc cảm, tự ti, bên cạnh đó còn do người nhà chưa nhận thức đúng đắn về nghề tẩm quất.
"Năm ngoái, khi hội nhận được thông tin về hai chị em khiếm thị ở xã Song Giang, chúng tôi liền đến vận động. Tuy nhiên, gia đình chưa hiểu, cho rằng nghề tẩm quất không lành mạnh nên nhất quyết không cho con đi học. Chúng tôi phải mất gần một năm, đi lại cả chục lần, cuối cùng cũng thuyết phục được gia đình cho hai em đi học nghề. Hiện các em rất cởi mở, hòa nhập và còn biết thêm cả nghề mây tre đan", anh Thương kể. Không chỉ là người quản lý, anh Trần Văn Thương còn là "giảng viên" đứng lớp của nhiều lớp học như: Lớp tin học; lớp học chữ nổi Braille, lớp học tẩm quất và cả các lớp học âm nhạc. Hội viên thường gọi anh thân mật là thầy Thương "biết tuốt".
Ngoài quản lý các cơ sở, dự án dạy nghề, anh Trần Văn Thương còn thường xuyên vận động nhà hảo tâm để làm công tác thiện nguyện. Vào các dịp kỷ niệm lớn hay lễ, tết, anh cùng ban chấp hành hội đi vận động được nhiều suất quà trao tặng những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện; trao học bổng tặng các học sinh, sinh viên là người khiếm thị và con em người khiếm thị...
Tại các buổi trao tặng, anh Thương lại cất cao tiếng hát giúp họ thêm tự tin, lạc quan, yêu đời. Anh Trần Danh Dũng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Gia Bình nhận xét: "Anh Thương không chỉ là một người giỏi âm nhạc mà còn rất đa năng trong các lĩnh vực đào tạo-dạy nghề. Là cán bộ hội phụ trách mảng việc làm, anh luôn năng nổ xây dựng dự án đào tạo nghề cho hội viên. Đồng thời, anh còn thường xuyên dùng giọng hát, tiếng đàn giúp các bạn khiếm thị có thêm một "ngôn ngữ" để tự tin hòa nhập".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.