Chàng trai Thái Nguyên xây chuồng nuôi rắn, có cả đàn rắn độc to bự nhìn phát khiếp

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 27/05/2022 06:01 AM (GMT+7)
Học hết phổ thông, chàng thanh niên Dương Văn Chung (xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định không thi lên đại học mà ở nhà mở trang trại nuôi rắn, trong đó có cả trăm con rắn độc-rắn hổ mang bành.
Bình luận 0

Clip: Anh Dương Văn Chung (xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về mô hình nuôi rắn độc (rắn bổ mang bành), nuôi rắn ráo trâu. Video: Hà Thanh

Anh Dương Văn Chung (SN 1987, ở xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: "Khi vừa học hết lớp 12, tôi đã quyết định không thi đại học, không đi học tiếp như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác mà ở nhà xây chuồng nuôi rắn".

Nuôi 2 loài rắn, 1 loài rắn độc, 1 loài rắn không độc

Năm 2013, anh Chung bắt đầu xây dựng chuồng trại để nuôi rắn hổ mang bành, rắn ráo trâu với tổng diện tích hơn 100m2. Với diện tích đó, anh nuôi khoảng 200 con rắn bố mẹ.

Đến năm 2015, gia đình anh mở rộng quy mô chuồng trại nuôi rắn thêm 150m2. Ngoài ra, anh còn cùng anh trai chăn nuôi khoảng 600 con rắn bố mẹ với diện tích khoảng 300m2.

Thái Nguyên: Thanh niên trẻ đánh liều nuôi con nhiều người nghe tên đã sợ nhưng hàng ngày vẫn chăm bẵm vuốt ve - Ảnh 2.

Hiện anh Chung đang nuôi khoảng 600 con rắn các loại, trong đó có loài rắn hổ mang bành to bự. (Ảnh: Hà Thanh).

Hiện nay, gia đình anh đang nuôi hai loại rắn là rắn hổ mang bành và hổ trâu (rắn ráo trâu), trong đó rắn hổ mang chiếm số lượng chủ yếu. Nguồn thức ăn của hai loại rắn này về cơ bản đều giống nhau, có chung một loại mồi. Đó là các loại gia cầm giống thải loại.

Anh Chung cho biết, rắn hổ mang bành là loại rắn có nọc độc còn rắn hổ trâu thì không. Do đó, khi xây dựng chuồng trại dành cho rắn hổ mang bành cần phải xây ô khép kín. 

Còn chuồng trại cho rắn hổ trâu cần xây ở ngoài trời theo dạng bán hoang dã. Điều này sẽ giúp cho con rắn giảm thiểu stress và sinh trưởng tốt hơn.

Anh Chung nhập rắn giống từ các trại ở Phổ Yên và TP Thái Nguyên. Để chọn được giống rắn bố mẹ tốt thì khi con rắn được 5 tháng tuổi anh bắt đầu nhập về, sau đó nuôi thêm khoảng 18 tháng thì rắn bước thời kỳ sinh sản.

Ở thời kỳ này, việc nuôi rắn sinh sản sẽ khác hơn so với nuôi rắn thương phẩm vì chi phí chăn nuôi rắn sinh sản ít hơn. Trung bình mỗi tuần sẽ cho rắn ăn từ 3 – 5 lần.

Còn đối với rắn thương phẩm, mỗi ngày sẽ cho rắn ăn một lần với thức ăn chính là gà thải từ các trang trại ấp nở. Trung bình một con rắn sẽ ăn hết khoảng 0,2kg mồi/lần.

Thái Nguyên: Thanh niên trẻ đánh liều nuôi con nhiều người nghe tên đã sợ nhưng hàng ngày vẫn chăm bẵm vuốt ve - Ảnh 3.

Rắn hổ mang bành được nuôi trong các chuồng xây ô khép kín (Ảnh: Hà Thanh)

Thái Nguyên: Thanh niên trẻ đánh liều nuôi con nhiều người nghe tên đã sợ nhưng hàng ngày vẫn chăm bẵm vuốt ve - Ảnh 4.

Khác với rắn hổ mang bành, rắn hổ trâu không có độc nên được nuôi ở dạng chuồng hở (Ảnh: Hà Thanh)

Rắn thường bắt đầu giao phối từ cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch hàng năm và sau 1 tháng thì rắn đẻ trứng. Với mỗi con rắn hổ mang bành trưởng thành sẽ đẻ từ 15 – 30 quả trứng/lần và rắn hổ trâu là từ 10 – 20 quả trứng.

Thái Nguyên: Thanh niên trẻ đánh liều nuôi con nhiều người nghe tên đã sợ nhưng hàng ngày vẫn chăm bẵm vuốt ve - Ảnh 5.

Chuồng nuôi hở ngoài trời và nơi đẻ trứng dành cho rắn hổ trâu (Ảnh: Hà Thanh)

Sau khi rắn đẻ trứng, người nuôi sẽ thu gom trứng mang về ấp bằng cách vùi trong cát ẩm. Trong quá trình ấp trứng, cần lưu ý không để cát quá ẩm hoặc quá khô. Nếu cát quá ẩm, trứng rắn sẽ bị nứt vỏ và hỏng, còn nếu cát quá khô, trứng rắn sẽ bị quắt và không nở được.

Kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang bành

Thời gian ấp trứng đối với rắn hổ mang bành kéo dài từ 55 – 60 ngày, còn rắn hổ trâu là từ 68 – 72 ngày. Rắn con sau khi nở sẽ được thu gom lại rồi đưa vào thùng xốp hoặc bể để nuôi riêng.

Giai đoạn này, rắn con chỉ uống nước nên phải đảm bảo đủ nước trong thùng xốp hoặc bể nuôi. Sau khoảng 7 – 10 ngày tính từ lúc nở, rắn con sẽ lột xác và bắt đầu ăn mồi.

Lúc này, thức ăn tốt nhất dành cho rắn con là con nhái. Chú ý, nhái khi mua về phải cắt nhỏ sau đó mới cho rắn con ăn. Ở giai đoạn này, chỉ cho rắn ăn một bữa/ngày, sau đó giảm dần theo từng giai đoạn cho đến khi rắn trưởng thành.

Theo anh Chung, hiện nay rắn con nở ra đến đâu được gia đình anh nuôi đến đó, và sau 2 năm nuôi gia đình anh mới xuất bán ra thị trường. Khi này con rắn sẽ đạt trọng lượng trung bình từ 1,2 – 1,5kg đối với rắn cái và 1,5 – 2kg đối với rắn đực.

Rắn thường hay mắc các bệnh về đường hô hấp và đường ruột. Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hai loại bệnh này, do đó người chăn nuôi vẫn phải phòng bệnh cho rắn là chính.

Anh Chung cho biết, trước đây rắn được bán với giá rất cao. Tuy nhiên những năm gần đây, do thị trường Trung Quốc bị thu hẹp nên giá rắn giảm đáng kể.

Thái Nguyên: Thanh niên trẻ đánh liều nuôi con nhiều người nghe tên đã sợ nhưng hàng ngày vẫn chăm bẵm vuốt ve - Ảnh 6.

Khi con rắn trưởng thành sẽ đạt trọng lượng trung bình từ 1,2 – 1,5kg đối với rắn cái và 1,5 – 2kg đối với rắn đực. (Ảnh: Hà Thanh)

Năm 2017, giá rắn hổ trâu dao động từ 700.000 – 900.000 đồng/kg. Nhưng đến nay, giá rắn hổ trâu giảm xuống chỉ còn trung bình 350.000 – 450.000 đồng/kg.

Mặc dù giá rắn giảm, nhưng chi phí chăn nuôi đối với rắn sinh sản không quá cao nên lợi nhuận từ chăn nuôi rắn vẫn tương đối ổn định.

Hiện nay, ngoài nuôi rắn sinh sản để bán trứng cho các trại nuôi rắn, anh Chung còn bán rắn hổ mang bành, rắn hổ trâu thương phẩm. Với quy mô nuôi rắn như hiện tại, mỗi năm gia đình anh Chung thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi sau khi đã trừ chi phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem