Chánh án Toà án nhân dân Hà Nội nói gì về việc toà tự thu thập chứng cứ?

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 28/05/2024 12:32 PM (GMT+7)
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Toà án nhân dân Hà Nội nêu quan điểm về những điểm mới trong điều chỉnh nhiệm vụ và quyền hạn thu thập chứng cứ của toà án.
Bình luận 0

Sáng 28/5, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tổ chức toà án nhân dân (TAND) sửa đổi.

Tham gia góp ý, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND Hà Nội hoàn toàn  nhất trí với ý kiến của đại biểu Tạo, đoàn Lâm Đồng về sự cần thiết quy định cụ thể quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND sửa đổi. 

Chánh án Toà án nhân dân Hà Nội nói gì về việc toà tự thu thập chứng cứ?- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính. Ảnh: Quốc hội

Theo Chánh án TAND Hà Nội, trong lịch sử tư pháp, Hiến pháp các năm 1992, 2013 quy định tòa án là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Nghị quyết số 27 về xây dựng nhà nước pháp quyền cũng yêu cầu xác định thẩm quyền của tòa án được thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp.

“Như vậy, quyền tư pháp từ lâu đã được quan tâm và ghi nhận đầy đủ. Tuy nhiên, đến nay quyền này chưa được quy định đầy đủ, phù hợp”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói.

Theo đại biểu, việc quy định này trong dự thảo Luật thực chất là thể chế hoá quan điểm của Đảng, triển khai quy định Hiến pháp. 

“Để xác định chính danh tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong văn bản pháp luật là rất cần thiết. Là tất yếu trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Do vậy, quy định tòa án thực hiện quyền tư pháp là bước tiến trong công tác lập pháp. Thể hiện tính thống nhất thực hiện quyền lực nhà nước, thể hiện trong phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước", ông Chính nói.

Về quyền tư pháp trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng đã quy định đầy đủ, phù hợp. Khoản 1, Điều 3, dự thảo Luật quy định, tòa án thực hiện quyền tư pháp bao gồm: Quyền xét xử, quyết định các tranh chấp vi phạm pháp luật về những vấn đề liên quan đến quyền con người… bảo đảm sự thống nhất pháp luật trong xét xử.

Như vậy, cũng rất phù hợp với khoản 1, Điều 2 dự thảo: Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích nhà nước…

“Quy định quyền tư pháp trong dự thảo Luật phù hợp với xu thế hiện nay và tất yếu khách quan, giúp cho tòa án thực hiện đúng, trúng sát thực tiễn nhiệm vụ, chức năng của mình", theo đại biểu Chính.

Về vấn đề thu thập chứng cứ, theo đại biểu Chính, dự thảo Luật quy định 6 khoản, trong đó khoản 1 quy định “các bên tự thu thập chứng cứ, giao nộp cho tòa án theo quy định”; khoản 4 quy định “Tòa án hỗ trợ các bên thu thập tài liệu chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ cho vụ án. Trường hợp các bên không thu thập được đề nghị tòa án hỗ trợ”.

Bày tỏ nhất trí với quy định này, đại biểu Chính cho rằng, quy định như vậy phù hợp với thực tiễn, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật. Việc thu thập chứng cứ thuộc trách nhiệm các bên trong vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại… theo nguyên tắc “đương sự khởi kiện, phải cung cấp tài liệu chứng cứ. Tòa án xét xử theo hướng, chứng cứ tới đâu xử tới đó. Tòa án không tự mình thu thập chứng cứ mà chỉ hướng dẫn thu thập và giao nộp tài liệu".

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về vấn đề thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án, có hai luồng ý kiến. 

Một là tán thành dự thảo Luật về việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Hai là, không tán thành dự thảo Luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

Qua thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Nghị quyết 27 yêu cầu: "Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử".

Luật Tổ chức TAND năm 2014 không quy định cụ thể về phạm vi thu thập chứng cứ của tòa án.

Các luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ, trong đó Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính quy định nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ.

Từ đó nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, ỷ lại cho tòa án thu thập, dẫn tới nhiều tòa án quá tải công việc. Do đó, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ.

Song, thực tiễn cho thấy, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án.

Sau nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu và các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem