Chapa garden và cô chủ người Mông giỏi tiếng Anh

Chủ nhật, ngày 09/11/2014 07:27 AM (GMT+7)
Ở trung tâm thị trấn Sa Pa, san sát và náo nhiệt những khách sạn, nhà nghỉ, nhưng cái tên Chapa garden với cô chủ người Mông hồn hậu, mến khách, nói tiếng Anh rất chuẩn, được du khách nước ngoài tìm đến như một địa chỉ tin cậy, ấm áp.
Bình luận 0
Từ nhà thờ cổ Sa Pa, nương theo con phố sầm uất nhất thị trấn du lịch miền sơn cước này, đến cuối con phố có một lối rẽ được kê bằng những phiến đá núi màu trắng đục (hoàn toàn không dùng vữa), tôi bất ngờ trước ngôi nhà nhiều mái và cửa sổ, khu vườn quanh nhà được thiết kế đem lại cảm giác thân thiện và đặc biệt yên tĩnh. Bước hẳn vào Chapa garden, tôi đang ở trong một khu vườn đầy cây xanh và nắng sớm bao phủ những lối đi rải cuội trắng, thật lãng mạn và thơ mộng. Chapa garden giống như khu vườn thiên nhiên treo giữa phố.
img (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn Internet).

Đó chính là Công ty liên doanh du lịch bảo tồn Sa Pa do cô gái Mông Lý Thị Trai làm giám đốc. Trai người nhỏ nhắn, làn da trắng mịn màng của con gái Mông xứ núi Hoàng Liên, rất hay cười, cởi mở và thân thiện. Trai kể: Cách đây sáu năm, cô thường đi bán hàng thổ cẩm rong dọc tuyến treking (đi bộ) từ Sa Pa xuống Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào. Nhà Trai ở bản Lý Lao Chải, hoàn cảnh gia đình rất nghèo nên phải bỏ học sớm, bươn chải làm thêm để giúp đỡ bố mẹ nuôi các em. Vốn thông minh, hoạt bát, cô học tiếng Anh rất nhanh qua việc tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài đến Sa Pa. Có vốn tiếng Anh kha khá, cô chuyển hẳn sang làm “hướng dẫn viên” du lịch tự do, được du khách nước ngoài rất mến mộ, bởi cô am hiểu phong tục tập quán, văn hóa tộc người và vùng đất Mường Hoa kỳ vĩ. Thế rồi như duyên phận, trong một lần đưa đoàn du khách châu Âu điền dã bản Lý Lao Chải quê mình, cô đã hoàn toàn chinh phục họ bởi lòng nhiệt tình mến khách, thái độ cởi mở chân thành và vốn hiểu biết văn hóa dân tộc sâu sắc được thể hiện bằng tiếng Anh chuẩn xác. Trong đoàn khách ấy, anh Tommy Eggen, người Na Uy đã bị cô gái Mông xinh đẹp và vùng đất Sa Pa thơ mộng “ hớp hồn” và họ nên vợ nên chồng.

- Anh Tom rất yêu em và Sa Pa. Hôm cưới, mẹ anh ấy từ Na Uy bay sang Việt Nam, từ Hà Nội đi tàu hỏa lên Sa Pa, rồi đi bộ vào tận bản Lý Lao Chải uống rượu thóc, ăm cơm lam, măng đắng với bố mẹ em và bà con dân bản. Đoàn nhà trai khen Sa Pa đẹp lắm, bố em nghỉ làm ruộng bậc thang mấy ngày để đưa bà “ thông gia” và đoàn nhà trai Na Uy đi thăm thác Bạc, cầu Mây, Hàm Rồng, núi Hoàng Liên... Đám cưới làm theo đúng kiểu người Mông, có cả tục “bắt vợ”, cả bản đến uống rượu chúc mừng, vui như hội “gầu tào” ấy.

Sau đám cưới ở Sa Pa, Trai theo chồng về Na Uy nghỉ tuần “trăng mật” và thăm họ hàng bên nội chừng hơn một tháng. Hai vợ chồng đã quyết định sinh sống và làm ăn tại Sa Pa. Họ mở Công ty liên doanh du lịch và bảo tồn Sa Pa, với định hướng rất rõ: bảo tồn những giá trị văn hóa và thiên nhiên Sa Pa để thu hút du khách nước ngoài đến với Chapa garden.

Để có thương hiệu “Chapa garden”, vợ chồng Lý Thị Trai luôn có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa ở Sa Pa. Đích thân anh Tom về bản Lý Lao Chải, nhờ mẹ vợ truyền dạy những “bí quyết” chế biến món ăn của người Mông, rồi tuyển chọn các lao động nữ ở địa phương về làm việc cho công ty. Bởi thế, du khách đến Chapa garden sẽ được hưởng trọn vẹn không khí, bản sắc văn hóa gia đình người Mông thân thiện, ấm cúng. Các nhân viên phục vụ ở đây ăn mặc trang phục của dân tộc mình, làm những món ăn đúng kiểu dân tộc, có cả món “mèn mén” (bột ngô đồ bằng chõ gỗ) chính hiệu của người Mông. Ngoài việc phục vụ buồng phòng, nấu ăn, các nhân viên người Mông đang được Trai dạy thêm tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài, giới thiệu cho họ lịch sử vùng đất, tộc người và phong tục, tập quán của người Mông ở Sa Pa.

Vợ chồng Tom - Trai dẫn tôi xem phòng khách và các buồng nghỉ rất giản dị nhưng không kém phần sang trọng bởi các vật dụng được làm bằng gỗ tự nhiên, cách bài trí nghệ thuật và khoa học, phải nói là rất sành điệu và hòa hợp với thiên nhiên. “Còn cả khu vườn rộng, đắt khách thế sao không xây thêm phòng nghỉ ?”- tôi hỏi. Trai cười: “ Vườn rộng và cây xanh chính là cái hồn của Chapa garden đấy. Nhờ nó mà giá phòng ở đây là 80 đô-la/ngày đêm nhưng bốn mùa không khi nào vắng khách; trong khi nhiều khách sạn, nhà nghỉ cao cấp ở đây chỉ có khách vào mùa hè. Công ty còn có nguồn thu từ phục vụ ăn uống, đưa khách đi dã ngoại bản làng, bán hàng thổ cẩm chính hiệu với giá cao…, nhờ vậy bảo đảm thu nhập cho người lao động”.

Giờ thì tôi đã hiểu và khâm phục cách làm du lịch của giám đốc Lý Thị Trai - cô chủ người Mông giàu nghị lực và yêu quý, trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc mình.
(Theo Báo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem