Xây chợ nghìn tỷ ở tỉnh Vĩnh Phúc, vì sao sau 2 tháng vắng tanh cả người bán lẫn người mua?

Chủ nhật, ngày 28/11/2021 06:34 AM (GMT+7)
Dù được xây dựng bài bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, có ý nghĩa xã hội, cùng những chính sách ưu đãi hấp dẫn của chủ đầu tư, nhưng đến nay, sau 2 tháng đi vào hoạt động, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn trong cảnh “chợ chiều” vì vắng bóng tiểu thương và khách hàng.
Bình luận 0

chơNằm sát tuyến đường lớn nối thị trấn Thổ Tang ra ngã tư Vĩnh Tường (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), thuộc địa phận 3 xã Tân Tiến, Lũng Hòa và Yên Lập, Dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư được đánh giá hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để trở thành đầu mối giao thương sầm uất nhất khu vực phía Bắc.

Xây chợ nghìn tỷ ở tỉnh Vĩnh Phúc, vì sao sau 2 tháng vắng tanh cả người bán lẫn người mua? - Ảnh 1.

Dù được xây dựng bài bản, đồng bộ, Chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn vắng bóng tiểu thương. Ảnh: Nguyễn Lượng


Không chỉ góp phần ổn định thị trường nông sản, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, chợ đầu mối còn khắc phục tình trạng thiếu mặt bằng kinh doanh, lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán tự phát, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, đặc biệt là tại khu vực thị trấn Thổ Tang.

Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô 186,49 ha; trong đó, phần chợ đầu mối nông sản thực phẩm, điện tử, vật liệu xây dựng; hệ thống kho vận có diện tích hơn 61 ha.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng những nỗ lực của chủ đầu tư, ngày 22/9/2021, Khu chợ CHO:08 với tổng diện tích hơn 26,7 ha và Khu chợ dân sinh thuộc chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận huyện Vĩnh Tường chính thức đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu kinh doanh cho hơn 600 tiểu thương.

Để chợ hoạt động hiệu quả, trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi.

Đối với tiểu thương hoạt động kinh doanh trước ngày 22/9/2021, công ty sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/1 kiot chợ và toàn bộ chi phí liên quan trong 1 năm như tiền điện, tiền nước, phí dịch vụ đỗ xe, an ninh, vệ sinh môi trường...

Nếu duy trì hoạt động 3 tháng liên tục, tiểu thương sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/1 kiot. Với các tiểu thương bán lẻ, các loại phí dịch vụ cũng sẽ được miễn phí 3 tháng kể từ ngày chợ khai trương.

Cùng với đó, UBND huyện Vĩnh Tường đã chỉ đạo các ngành liên quan hỗ trợ công ty hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, các mặt hàng kinh doanh, các chính sách ưu đãi...

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chợ đầu mối Nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận huyện Vĩnh Tường chưa đạt kết quả như kỳ vọng sau 2 tháng đi vào hoạt động.

Có mặt tại tại Khu chợ CHO:08 và Khu chợ dân sinh, chúng tôi thấy khá nhiều kiot đã lắp biển bảng nhưng đều trong tình trạng cửa đóng, then cài, chỉ có khoảng 20 kiot có người kinh doanh, buôn bán.

Lượng khách vào chợ mua hàng cũng rất ít, dù đang là thời điểm tan tầm. Trái với cảnh đìu hiu bên trong khu chợ mới, tại các trục đường chính trên địa bàn thị trấn Thổ Tang, việc buôn bán vẫn sầm uất, sôi động như mọi ngày.

Chị H, tiểu thương buôn bán hoa quả tại Khu chợ CHO:08 cho biết: “Chợ mới không chỉ sạch sẽ, khang trang, hiện đại với đầy đủ hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải... mà còn góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, do chợ mới đi vào hoạt động nên khách chưa biết nhiều, khiến sức mua ở đây rất thấp, chỉ được vài lượt khách/ngày. Để tránh lỗ vốn, tôi chỉ dám bày ít hàng, chủ yếu là các loại quả để được lâu như: Bưởi, ổi… Nếu không có những chính sách hỗ trợ thiết thực của chủ đầu tư, có lẽ tôi cũng không đủ kiên nhẫn để bám chợ”.

Đã gần 10 giờ sáng, nhưng chị Nguyễn Thị Sen, tiểu thương buôn bán các mặt hàng nông sản tại Khu chợ CHO:08 vẫn chưa bán được đồng nào.

Trên sạp, chị cũng chỉ bày một số loại rau củ cho có lệ vì khách của chị chủ yếu là mối quen, thường yêu cầu ship tận nhà.

Chị chia sẻ: “Từ tháng 9/2021, khi chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận huyện Vĩnh Tường bắt đầu đi vào hoạt động, tôi cùng với hơn 100 tiểu thương khác về đây buôn bán.

Tuy nhiên, đến nay, dù chủ đầu tư không thu bất kỳ chi phí gì, nhiều người vẫn bỏ chợ do vắng khách. Cá nhân tôi vẫn quyết tâm ở lại vì mặt bằng kinh doanh ở Thổ Tang quá chật hẹp, về lâu dài khó mở rộng quy mô.

Mong rằng, chính quyền địa phương, chủ đầu tư sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng và tiềm năng phát triển của chợ đầu mối. Đồng thời, có thêm các chính sách ưu đãi thiết thực; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương để chợ sớm vận hành hiệu quả”.


Phùng Hải (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem