Các yếu tố độc hại này được xếp vào ba nhóm chính: nhóm gồm thuốc hay hoá chất, nhóm tác nhân gây nhiễm trùng và nhóm tác nhân vật lý.
Nhóm thuốc và hoá chất
Rượu: là một trong những chất nhiều độc tính nhưng lại thường được sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng trên thai nhi: nhẹ cân, vòng đầu nhỏ, chậm phát triển, tâm thần, yếu cơ. Lượng rượu mẹ uống càng nhiều, tỷ lệ độc hại trên thai nhi càng tăng.
Thuốc lá: người mẹ hút thuốc có thể sinh trẻ nhẹ cân, giảm kích thước vòng đầu, tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sinh non... vì chất nicotin ngăn cản việc cung cấp oxy cho bào thai, mà nicotin lại đi qua nhau dễ dàng. Nồng độ nicotin tập trung trong bào thai có thể cao hơn 15% so với lượng nicotin có trong cơ thể mẹ. Ngoài ra nicotin còn có thể tập trung trong nước ối và sữa mẹ. Nếu người khác hút thuốc mà thai phụ hít phải khói thuốc thì hậu quả cũng tương tự như trực tiếp hút thuốc.
Kháng sinh: phần lớn kháng sinh không gây dị dạng thai nhi. Tuy nhiên, có một số kháng sinh có tác động xấu cho thai nhi, như tetracycline sử dụng từ tháng thứ tư của thai kỳ làm vàng răng, thiểu sản men răng. Streptomycin và những loại cùng họ có thể làm tổn thương dây thần kinh tai dẫn đến điếc (xảy ra cho 10 – 15% bào thai có mẹ sử dụng các loại thuốc này).
Thuốc hạ huyết áp: trong những năm gần đây, một số loại thuốc hạ áp mới cho thấy có liên quan đến bệnh thiểu ối và vô niệu ở thai nhi, tuy không thấy có trường hợp dị tật bẩm sinh nào được ghi nhận, nhưng những loại thuốc này chống chỉ định khi có thai.
Thuốc chống ung thư: dùng trong sáu tuần đầu của thai kỳ thường làm sẩy thai. Nếu dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể làm thai chậm phát triển, bất thường sọ não, tay chân và chậm phát triển tâm thần. Một vài thứ thuốc có thể làm dị dạng thai nhi như chẻ vòm hầu, chi ngắn, dị dạng sinh dục...
Thuốc chống đông máu: dùng trong ba tháng đầu làm tăng nguy cơ sẩy thai, bất thường hệ thần kinh, thai chậm tăng trưởng, chết lưu... Heparin là thuốc kháng đông không qua nhau nên có thể dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ và kéo dài đến tuần thứ 36.
Thuốc chống động kinh: có thể gây dị tật bẩm sinh. Hydatoin có thể gây hội chứng đặc biệt ở thai nhi, bất thường về đầu mặt, tật ở chi, chậm phát triển tâm thần, bất thường ở hệ tim mạch.
Các chất nội tiết steroid: thai phụ được điều trị doạ sẩy với thuốc kết hợp estrogen – progesterone hoặc người đang uống thuốc ngừa thai mà có thai thì có thể gặp các bất thường như thai nhi gái bị nam hoá bộ phận sinh dục ngoài (tỷ lệ 1 – 2%).
Sinh tố: thiếu axít folic sẽ làm tăng nguy cơ bất thường hệ thần kinh, sẩy thai, thai chậm tăng trưởng, dị tật bẩm sinh, sinh tố A dùng nhiều có thể gây tật bẩm sinh về đầu mặt, rối loạn tâm thần tim bẩm sinh.
Tác nhân nhiễm trùng
Nhiều bà bầu thiếu cảnh giác Các yếu tố độc hại tác động lên bào thai, bằng cách can thiệp vào sự phát triển, phân chia tế bào, sự di chuyển của tế bào trong thời kỳ tạo hình phôi thai. Giai đoạn dễ làm tổn thương đến thai nhi nhất là từ tuần lễ thứ ba đến tuần thứ tám kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối – giai đoạn hình thành các cơ quan của cơ thể thai nhi. Điều không may là đa số phụ nữ không biết họ đã có thai trong khoảng thời gian này nên thiếu cảnh giác.
Nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng và virút có thể gây ra tật bẩm sinh, bất thường về phát triển hệ thần kinh. Bệnh nhiễm trùng thường gặp đối với thai phụ là nhiễm trùng TORCH (Toxoplasmose, rubella, cytomegalo virút, herpes) gây độc hại cho thai nhi với những tật bẩm sinh ở đầu, chậm phát triển thần kinh, viêm võng mạc.
Bệnh ban đỏ do rubella thường gây mù, điếc, còn tồn tại ống động mạch. Ngoài ra, nếu người mẹ nhiễm giang mai có thể dẫn đến giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh vì từ tháng thứ năm của thai kỳ, vi trùng có thể lây lan qua nhau. Thai nhi có thể bị gan lách to, bệnh ngoài da, viêm xương, viêm thận, viêm màng não.
Tác nhân vật lý
Tia quang tuyến gây dị tật hệ thần kinh, gây ung thư, đột biến gen. Ngoài ra, môi trường nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến thai phụ gây dị tật ở hệ thần kinh thai nhi.
Tóm lại, trong khi mang thai, có rất nhiều yếu tố, đặc biệt là những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của bào thai, nhất là nếu thai phụ sử dụng trong ba tháng đầu thai kỳ.
Vì vậy, khi đã biết mình có thai, nếu bị mắc bệnh, người mẹ nên đi khám thai để được hướng dẫn bởi thầy thuốc chuyên khoa và chỉ sử dụng thuốc theo y lệnh. Cũng phải chú ý đến môi trường sống của thai phụ, tránh những tác nhân có thể gây hại cho thai nhi như khói thuốc lá.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.