Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Bức xúc tình trạng lạm phát cấp phó, công chức lười nhác

Lương Kết Thứ tư, ngày 19/11/2014 06:59 AM (GMT+7)
“Bộ Nội vụ đề nghị số lượng cấp phó ít, các bộ thì lại đề nghị số lượng nhiều nên ý kiến hai bên không gặp nhau” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thành thực chia sẻ tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 18.11.
Bình luận 0

Vấn đề lạm phát cấp phó đã được ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn ngay từ phần đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: “Cử tri nói nhiều về lạm phát cấp phó từ T.Ư đến địa phương làm cho bộ máy cồng kềnh, quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp khắc phục tình trạng này?”. Bổ sung thêm vấn đề mà ĐB An nêu, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp chống tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu.

imgÔng Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nội vụ sáng 18.11.  HOÀNG NGỌC

 

Trả lời nhóm câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Cấp thứ trưởng không quy định cứng mà có tính chất cơ động, một bộ, cơ quan ngang bộ được 4 thứ trưởng, muốn tăng thêm là cơ quan thẩm quyền quyết định. “Các chức danh cấp phó đều quy định cứng, nhưng thực tiễn cuộc sống không theo quy định đó. Qua báo cáo sơ bộ: Cấp bộ quy định 4 thứ trưởng, hiện bình quân là 5,4; cấp tổng cục quy định là 3 nhưng bình quân 3,69; cấp vụ quy định là 3 nhưng bình quân là 3,04; cấp sở quy định là định 3 hiện là 3,06. Còn tất cả các đơn vị còn lại theo báo cáo cơ bản là không vượt” - Bộ trưởng Bình cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Bộ Nội vụ cũng nhiều lần kiến nghị, đề nghị với Ban Cán sự đảng Chính phủ, với Chính phủ cần có quy định số lượng cấp phó quy định cứng chứ không mềm nữa. “Thủ tướng đã giao cho Bộ Nội vụ phải trao đổi với các bộ nhưng Bộ Nội vụ đề nghị số lượng cấp phó ít, các bộ thì lại đề nghị số lượng nhiều nên ý kiến hai bên không gặp nhau. Chính vì thế đến nay cũng chưa có quy định nhưng hướng theo chỉ đạo của Thủ tướng thì cần có quy định cứng số lượng cấp phó tránh tình trạng này kéo dài” - Bộ trưởng Bình cho hay. Lý giải về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết: “Có cơ quan, tổ chức có quá nhiều cấp phó mà không xuất phát từ thực tiễn yêu cầu. Thậm chí việc bổ nhiệm là hậu quả của một lý do nào đó. Chúng tôi phải thừa nhận việc này”.

Vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thấp, việc tuyển dụng người tài vào bộ máy nhà nước có nhiều hạn chế cũng được các ĐB đề cập. “Vì sao số công chức tận tâm trong công việc và sáng tạo trong công tác ngày càng ít, số công chức lười nhác chỉ một dạ hai vâng nhưng ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính gia tăng bộ máy hành chính và là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?” - ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) chất vấn. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận thực trạng này. Nói về giải pháp, Bộ trưởng cho hay: “Bộ Nội vụ được giao xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ và đang xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai. Từ nay đến năm 2020 sẽ đảm bảo tuyển được khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ vào cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Đây là đột phá trong công tác đối với người tài”.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt vấn đề đã làm nhiều việc, nhiều biện pháp nhưng việc tinh giản biên chế vẫn không giảm mà còn tăng. “Trước đây chúng tôi được giao chỉ tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức từ T.Ư đến cấp huyện. Nhưng khi trình lên cảm thấy đội ngũ này không lớn, phải bao quát cả cán bộ, công chức, viên chức từ T.Ư đến cấp xã, phường, thị trấn. Do đó, chúng tôi phải làm lại lần 2 và trình thì được cơ bản thống nhất và giao chúng tôi hoàn thiện lại đề án, hoàn thiện tờ trình Hội nghị T.Ư tới” - Bộ trưởng Bình trả lời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem