Tìm cơ chế để dẹp “lạm phát” cấp phó

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 10/11/2014 06:46 AM (GMT+7)
“Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần có quy định để giải quyết một thực trạng hiện nay là quá nhiều cấp phó” - ông Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã dành cho PV NTNN một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Dư luận cho rằng hiện nay ở các cấp, các ngành, địa phương đang có quá nhiều cấp phó, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

img  Ông Trần Du Lịch (ảnh) - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

- Chúng ta hiện nay đang biến cấp phó thành cấp hành chính trung gian, ví dụ ở địa phương cấp sở đề xuất cái gì thì lại qua phó chủ tịch phụ trách sau đó mới đến chủ tịch. Trong khi trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Tại sao chúng ta có nhiều cấp phó như hiện nay? Đó là vì chúng ta không làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của những cơ quan quản lý dưới quyền. Ví dụ quản lý nhà nước về xây dựng ở cấp tỉnh là giám đốc sở xây dựng và chỉ cái gì vượt quyền của giám đốc mà thuộc quyền của chủ tịch tỉnh thì mới phải báo cáo xin ý kiến và chịu trách nhiệm, nhưng những việc đó không nhiều. Anh là quản lý nhà nước chứ không phải chỉ tham mưu cho chủ tịch phải làm rõ vấn đề này. Phó là giúp việc cho cấp trưởng, thay mặt cho cấp trưởng trong một số trường hợp cấp trưởng vắng mặt.

img Minh họa của N.DIEP

Còn nguyên nhân nào dẫn tới “lạm phát” cấp phó như vậy?

Quan điểm
img
Ông Dương Trung Quốc • ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Cấp phó cũng là một chức quyền, từ chức quyền đó trong cơ chế ngày nay rất dễ tạo cơ hội để họ kiếm chác được. Vì thế bổ nhiệm thêm cấp phó cũng là cách ban phát lợi ích cho nhau. 
Gần đây có hiện tượng quan chức sắp nghỉ hưu thì bỗng ký đề bạt rất nhiều cấp phó. Điều đó cũng phần nào phản ánh hiện thực này. 
Do đó phải có cơ chế bổ nhiệm đảm bảo cho bộ máy hành chính ổn định... 

- Chúng ta “đẻ ra” quá nhiều cấp phó vì lý do nếu không có cấp phó thì nhiều lĩnh vực cấp trưởng lo không nổi. Tại sao lo không nổi, như ở cấp tỉnh? Là vì ông không chịu giao quyền cho ông giám đốc sở, quy trách nhiệm của cấp sở nếu có vấn đề gì xảy ra. Lên đến cấp bộ cũng vậy, vấn đề nhiệm vụ không phải là của thứ trưởng mà phải là của vụ trưởng, cục trưởng, hay tổng cục trưởng. Còn bộ trưởng là nhà chính trị chỉ cần một hoặc 2 cấp phó giúp việc cho. Chứ không như hiện nay vô hình trung biến ông thứ trưởng thành một cấp hành chính. Một việc gì trình bộ trưởng ký lại phải qua cấp thứ trưởng phụ trách ngồi "ngâm" cái đã. Chúng ta làm vậy không chỉ làm phình to ghê gớm bộ máy hành chính mà còn dẫn đến tình trạng hiệu quả, hiệu lực công vụ giảm đi.

 

Tình trạng có quá nhiều cấp phó dẫn đến hệ quả khi xảy ra vấn đề gì, việc quy trách nhiệm cũng khó thưa ông?

- Đúng là quy trách nhiệm cũng khó, nói về trách nhiệm cơ bản khi một vấn đề xảy ra một lĩnh vực nào đó, ví dụ như ở địa phương, công luận cần biết đó là trách nhiệm của giám đốc sở, chỉ của giám đốc sở chứ không ai khác. Nếu vậy thì quyền trách nhiệm của người này phải tương xứng chứ không phải mọi cái cứ đẩy hết lên trên cho chủ tịch tỉnh.

Việc nhiều cấp phó là do chúng ta vẫn bị ảnh hưởng của cơ chế tập thể, những cấp trưởng, phó gom lại thành thường trực. Với vấn đề nhiều cấp phó, chúng ta phải giảm hoàn toàn và nâng trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi lấy ví dụ về bộ máy của Chính phủ: Quản lý nhà nước về xây dựng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, quản lý ngân sách là Bộ trưởng Bộ Tài chính chứ không phải là Phó Thủ tướng phụ trách.

Việc nhiều cấp phó không chỉ khiến bộ máy phình ra mà còn gây tiêu tốn cho ngân sách thưa ông?

- Đúng là tiêu tốn ngân sách nhiều, cứ thử hình dung nếu giảm 5 cấp phó xuống còn 2, ở vụ còn 1 phó thì giảm chi phí chừng cỡ nào. Ở cấp T.Ư giảm đi một thứ trưởng, hay cấp phó là giảm bao nhiêu chế độ đi theo, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là tiền lương. Bên cạnh đó như đã nói sự tồn tại của nhiều cấp phó làm cho hoạt động công vụ chậm lại, trách nhiệm giảm đi những cái đó còn lớn hơn.

Quốc hội đang bàn Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Liệu đây có phải là thời cơ tốt để giải quyết tồn tại, hạn chế mà ông nêu ra?

- Theo tôi, tới đây trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần phải có những quy định cụ thể để giải quyết được những hạn chế trên. Không có quy định thì có cải cách gì cũng khó đem lại hiệu để đáp ứng sự mong đợi của cử tri. Đừng để nơi nào cũng nhiều cấp phó, đẻ ra quá nhiều ghế thì chẳng ai mà đóng thuế mà nuôi nổi.

Xin cảm ơn ông

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem