Chặt xác phi tang ở Cao Bằng: Có bị truy tố như vụ Cát Tường?

Lương Kết Thứ hai, ngày 26/09/2016 16:40 PM (GMT+7)
Hành vi chặt xác phi tang của đối tượng Bế Ích Thi (23 tuổi, xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng), theo các chuyên gia pháp lý đó không chỉ là hành vi có tính chất man rợ mà còn có yếu tố cấu thành tội Xâm hại thi thể giống như vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Bình luận 0

Giăng điện làm chết người bị xử tội gì?

Vụ chặt xác người phi tang ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng gây xôn xao dư luận, nghi phạm đã sa lưới pháp luật. Thông tin từ Công an tỉnh Cao Bằng cung cấp, nghi phạm Bế Ích Thi sau khi bị bắt đã khai nhận bản thân làm nghề đánh bắt cá trên sông. Sáng 16.9, Thi ra sông đặt bẫy điện để bắt cá, đến trưa cùng ngày ra kiểm tra thì phát hiện thi thể anh B.V.H nằm úp trên sông, tử vong do điện giật.

img

Nghi phạm Bế Ích Thi.

Trong lúc hoảng loạn, Thi kéo xác nạn nhân theo dọc sông khoảng 200m, rồi đưa vào chỗ vũng nước nông. Sau đó, Thi chạy về nhà lấy dao chặt xác nạn nhân cho vào bao tải với mục đích tiêu hủy chứng cứ và tạo hiện trường giả.

Với hành vi dùng bẫy điện để đánh cá gây hậu quả chết người, theo ông Trịnh Nhật Diệu (nguyên kiểm sát viên Viện KSND TP.Hà Nội) đó là tội Giết người, lỗi mang tính gián tiếp.

"Điện là nguồn nguy hiểm cao độ, bị nghiêm cấm dùng để giăng ra bẫy chuột, bẫy cá... mà anh vẫn cố tình giăng ra sông gây ra hậu quả chết người, hành vi đó là tội Giết người. Hành vi giăng điện ra sông không thể coi là vô ý được, anh là người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức phải hiểu đó việc làm cực kỳ nguy hiểm, không người này thì người khác sẽ gặp nạn" - ông Diệu bày tỏ.

Còn luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Trong cuộc sống có những trường hợp sử dụng điện để chống trộm cắp, diệt chuột phá hoại mùa màng hay bẫy cá... là hành vi sử dụng điện trái phép.

TAND Tối cao hướng dẫn với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội Giết người.

Với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng (đặt điện bẫy cá trên sông cũng giống như vậy) thì cần phân biệt như sau:

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Giết người.

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Vô ý làm chết người.

Chặt xác phi tang có cấu thành tội riêng?

Về hành vi chặt xác nạn nhân để phi tang của Bế Ích Thi, liệu có cấu thành tội danh riêng là vấn đề gây tranh cãi khi các chuyên gia pháp luật có những quan điểm khác nhau.

Ông Nguyễn Thân, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, đó dấu hiệu của tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự. Mức án cao nhất dành cho tội danh từ 1 - 5 năm tù.

Vẫn theo ông Thân, hành vi của Bế Ích Thi diễn ra sau giai đoạn nạn nhân bị tử vong khoảng một thời gian, nó không đi liền với chuỗi hành vi trước đó, mang tính độc lập với hành vi của giai đoạn trước. 

Đồng quan điểm, luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hành vi phân xác khi nạn nhân đã chết, chứ không phải việc phân xác làm cho nạn nhân chết, hành vi này độc lập với hành vi giăng điện trước đó.

Cách đây không lâu, chủ cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường là Nguyễn Mạnh Tường cũng phạt tù về tội Xâm hại thi thể. Hành vi của Tường là sau khi phẫu thuật làm nạn nhân tử vong, Tường đã cùng bảo vệ thẩm mỹ viện chở thi thể nạn nhân vứt xuống sông Hồng nhằm phi tang. Phải mất thời gian rất dài thi thể nạn nhân mới được tìm thấy.

Ở góc nhìn khác, ông Trịnh Nhật Diệu và luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, người giăng dây điện bẫy cá làm chết người, với người phân xác phi tang là một nên hành vi này khó thành tội danh độc lập. Đây là hành vi nhằm che giấu tội phạm. Nếu nghi phạm bị truy tội giết người thì hành vi kể trên là tình tiết tăng nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem